No ấm từng ngày

Xã hội - Ngày đăng : 06:46, 04/08/2013

(HNM) - Với sự trợ giúp của thành phố và nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, sau 5 năm hợp nhất, đời sống người nông dân Hà Nội vẫn được cải thiện, nâng cao từng ngày…

Diện mạo Mỹ Đức ngày càng đổi mới. Ảnh: Duy Kiên


Từ trung tâm huyện Mỹ Đức đến những xã vùng sâu, vùng xa như Hợp Thanh, An Phú, đâu đâu chúng tôi cũng thấy diện mạo nông thôn của một huyện thuần nông đang "thay da đổi thịt". Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sang chia sẻ: Hiện, toàn huyện đã kiên cố hóa được 83,49km đường trục xã, 149km đường liên thôn, 289,8km đường ngõ xóm (đạt khoảng 70-80%). Với một huyện có địa bàn rộng như Mỹ Đức thì đây là kết quả rất đáng tự hào. Tập trung sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình kinh tế cao và phát triển thêm nghề mới, hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đã đạt 15,5 triệu đồng/người/năm. Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Mỹ Đức có 5 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 đến 19 tiêu chí; 15 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 13 tiêu chí, hiện chỉ còn duy nhất xã miền núi An Phú đạt dưới 10 tiêu chí. Tổng diện tích dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đến hết tháng 6-2013 đã giao thực địa là hơn 6.184ha, đạt 257,93% chỉ tiêu thành phố giao…

Theo Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Thế Nghĩa, nhờ đầu tư hạ tầng tốt, bà con các thôn Đồng Chiêm, Nam Hưng, Quán Mai... của xã đã yên tâm sản xuất 2 vụ lúa, năng suất cao đạt trên 60 tạ/ha. Những xứ đồng úng trũng, bà con đã cấy một vụ lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm. Nhiều hộ còn mạnh dạn chuyển từ cấy lúa sang trồng sen, trong đó, thôn Đồi Dùng có 27 hộ trồng sen, thu nhập cao gấp 6 lần so với cấy lúa. Trong ngôi nhà ngói mới xây khá khang trang, anh Nguyễn Văn Ảnh, dân tộc Mường, hộ vừa mới thoát nghèo của xã An Phú năm 2012 chia sẻ, trước đây gia đình thuộc hộ nghèo nhiều năm của xã. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố, huyện, xã, đời sống của gia đình ngày càng nâng lên. Được tập huấn kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt nên ngoài 5 sào lúa, gia đình đã nuôi thêm lợn, gà để tăng thu nhập.

Rời Mỹ Đức, chúng tôi đến những xã vùng sâu, vùng xa nhất của Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai…, đâu đâu cũng thấy niềm vui của người nông dân sau 5 năm hợp nhất. Đến thôn Hương (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất) những ngày hè này, chúng tôi thấy đồng ruộng đã được cơ giới hóa. Quanh các sườn đồi, xen lẫn màu xanh của cây ngô, của khoai, lúa là những ao cá, khu chăn nuôi được quy hoạch bài bản. Trước đây, xã có tới cả nghìn con trâu dùng vào việc kéo cày, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nay chỉ còn 700 con, nuôi với mục đích làm thực phẩm. Ông Nguyễn Văn Định, Trưởng thôn Hương cho hay: Chúng tôi đang kiến nghị với nhà nước đưa thôn Hương, ra khỏi Chương trình 135 để nhường những ưu đãi đầu tư về hạ tầng cho các thôn khác còn khó khăn...".

Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Trịnh Thế Khiết khẳng định: Sau 5 năm hợp nhất, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân Thủ đô được tăng lên rõ rệt. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo là động lực quan trọng để các cấp hội vận động nông dân, hội viên các địa phương thực hiện tốt Chương trình 02 của Thành ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống người nông dân. 

Bạch Thanh