“Chọn sách cũng như chọn gieo hạt giống vậy!”

Sách - Ngày đăng : 06:40, 04/08/2013

(HNM) - Đầu tháng 8, tủ sách

- Thưa nhà văn, cuộc gặp gỡ giữa chị và những người đồng sáng lập tủ sách “Cánh cửa mở rộng” đã diễn ra như thế nào?

- Bắt đầu từ lúc tôi giới thiệu, tổ chức dịch và hiệu đính cuốn “Suối nguồn” của Ayn Rand cho NXB Trẻ - cuốn sách có cả nghìn trang, đến nay đã tái bản gần chục lần, lúc đó NXB Trẻ đề nghị tôi giới thiệu sách thường xuyên cho họ nhưng thấy mình không đủ sức nên tôi không nhận lời. Năm 2010, tôi trao đổi với anh Ngô Bảo Châu về ý tưởng làm chung một tủ sách dịch. Anh Ngô Bảo Châu đề nghị tôi viết phác thảo về mục đích, lộ trình, cách thực hiện… Sau đó, các bên đều thấy là có thể làm được nên quyết định khởi động. Mục tiêu cũng khiêm tốn, mỗi năm ra hai đợt sách, mỗi đợt vài cuốn. Khoảng 80% sách thuộc lĩnh vực văn học, còn lại là các lĩnh vực khác. Tôi và anh Ngô Bảo Châu chịu trách nhiệm chọn sách và hiệu đính, hỗ trợ quảng bá, NXB Trẻ lo dịch và xuất bản...

Nhà văn Phan Việt.


- Chắc hẳn phải có động lực nào đó để chị tham gia công việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức đến thế?

- Động lực lớn nhất là tôi muốn làm một cái gì đó cụ thể, hữu ích, lại thỏa mãn niềm đam mê sách. Tôi nghĩ anh Ngô Bảo Châu cũng thế. Tuy nhiên, như trong đề cương đã thể hiện, tôi biết rõ là chúng tôi không thể và không nên là những người duy nhất duy trì tủ sách. Về lâu dài, để tủ sách đứng vững thì nhất thiết nó phải được duy trì bằng nguồn lực cộng đồng, trở thành một tủ sách mở, một dạng dự án xã hội mà ai cũng có thể tham gia chọn, dịch, hiệu đính, tài trợ xuất bản, quảng bá tác phẩm.

- Đến nay, tiếng vang của tủ sách hình như chưa được như mong đợi? Chị lý giải điều này thế nào?

- Tôi nghĩ một phần là vì chúng tôi hiền quá (cười). Nói chung, NXB Trẻ chưa ráo riết làm PR cho tủ sách và cho từng cuốn sách, có thể vì đây mới là giai đoạn thử nghiệm, vừa làm vừa điều chỉnh chăng… Có một việc, tuy nhỏ nhưng tôi nghĩ có thể ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận của bạn đọc, đó là việc sắp xếp tác phẩm của tủ sách này ở các nhà sách khá rải rác, cuốn thì vào mục “Văn học Mỹ”, cuốn khác lại vào mục “Văn học Pháp” chứ không nằm cạnh nhau dưới tên chung của tủ sách, khó gây ấn tượng với bạn đọc.

- Vậy, về mặt nội dung, chị cũng như GS Ngô Bảo Châu và NXB Trẻ đặt ra những tiêu chí gì khi lựa chọn sách để dịch, giới thiệu với bạn đọc?

- Nói thực là NXB Trẻ không đặt ra tiêu chí gì cụ thể. Họ để chúng tôi chủ động, cứ sách hay là chọn dịch thôi. Nhưng thế nào là “hay” thì cũng không dễ nói. Với cá nhân tôi, một cuốn sách hay phải giúp mở rộng thế giới đối với người đọc, phải thách thức một cái gì đó trong tư duy của ta, giúp ta sống tử tế hơn, tự do hơn. Riêng với sách văn học thì còn phải đẹp về ngôn ngữ, phải có “văn” nữa. Nhưng chọn sách cho mình đọc thì thế; chọn sách để giới thiệu cho NXB dịch còn phải tính tới chuyện có bán được sách không. Ví như chúng tôi muốn chọn dịch thơ hoặc những cuốn tiểu luận triết học nhằm giới thiệu tư duy mới cho độc giả nhưng phía NXB Trẻ nói thơ hiện nay gần như không bán được. Vì vậy, bên cạnh việc dịch, chúng tôi còn nghĩ xem có thể tìm tài trợ cho việc in sách không. Thực tế, ngoài tủ sách này ra, NXB Tri Thức, Công ty Sách Phương Nam và nhiều nơi khác cũng có các tủ sách tinh hoa, chuyên dịch tác phẩm có giá trị… Tuy thế, cứ nhìn tình trạng tiêu thụ sách thì biết cái khó của việc làm sách ở Việt Nam.

- Chị nhận xét thế nào về các bản dịch trong “Cánh cửa mở rộng” cũng như giá trị của chúng với người đọc?

- Với số sách mà tôi có đọc được bản tiếng Anh thì đa phần đều ổn ở phần dịch. Có những cuốn dịch hay như cuốn “Chết ở Venice” của Thomas Mann, mấy cuốn của Steinbeck dịch rất có duyên. Các sách phi văn học đều dịch rõ ràng, mạch lạc, như “Con đường Da cam”; “Phải, Trái, Đúng, Sai”. Ba cuốn ra trong đợt này - “Núi Thần”, Khởi sinh của cô độc”, “Tất cả chúng ta đều là Cá” - đều dịch tốt. Thực sự là cả nhóm làm sách đều thận trọng với các bản dịch. Chúng tôi muốn tối thiểu là dịch không sai, đọc lên người ta phải thấy trôi chảy, hiểu được. Ra được một cuốn sách dịch tốt, nói thật là kỳ công lắm!

Giá trị đối với người đọc thì khó nói, và tôi cũng không muốn nghĩ đến khái niệm “độc giả” một cách chung chung. Tôi cứ suy từ mình, có những cuốn sách tác động sâu sắc đến cuộc đời tôi mà người viết sách, dịch giả và NXB đâu có biết. Nếu những cuốn sách mà chúng tôi đã giới thiệu có làm thay đổi cuộc đời ai đó thì cái giá trị đó là vô cùng tận, vì nó có tính kế thừa và lan truyền. Đó cũng là một trong số lý do chính khiến tôi muốn làm tủ sách này. Mình làm sách giống như gieo hạt giống, phải dựa trên hy vọng về sự tác động lâu dài.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!

Thi Thi