Sóng gió mới trong quan hệ Nga - Mỹ

Thế giới - Ngày đăng : 05:59, 04/08/2013

(HNM) - Mối quan hệ vốn không mấy mặn nồng giữa Mỹ và Nga lại gặp thêm thử thách sau khi xứ Bạch dương chính thức cấp quy chế tị nạn trong vòng một năm cho cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden...

Quyết định này của Kremlin đã khiến Nhà Trắng ra thông cáo bày tỏ sự thất vọng và cho đó là "một sự thụt lùi" trong quan hệ Washington - Mátxcơva.

Luật sư Nga Anatoly Kucherena, người trợ giúp E.Snowden về pháp lý, công khai giấy tờ tị nạn tạm thời của cựu nhân viên CIA.


Mỹ đã từng yêu cầu Nga đưa E.Snowden - công dân Mỹ nhưng đã tới Nga để tìm kiếm sự ẩn náu sau khi công bố hàng loạt thông tin bất lợi cho nước Mỹ - trở về để đứng trước Tòa án xét xử các tội danh liên quan đến việc tiết lộ bí mật quốc gia và chống lại nước Mỹ. Do đó, việc đồng ý để "kẻ tội đồ của nước Mỹ" rời khỏi khu quá cảnh sân bay Sheremetyevo ở Mátxcơva, nơi anh ta đã dừng chân suốt hơn một tháng qua đã khiến chính giới Mỹ phản ứng dữ dội. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố Washington "vô cùng thất vọng" trước động thái của Chính phủ Nga. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain cho đó là "một cái tát đối với Mỹ" trong khi nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer thì coi đây là "một nhát dao đâm sau lưng" nước Mỹ.

Kể từ khi E.Snowden "nổi danh" vì những tin tức được ví như vụ Wikileaks thứ hai, Nhà Trắng đã chịu rất nhiều sức ép từ trong nước nên buộc phải gây áp lực để Nga và nhiều nước khác trục xuất hoặc từ chối đề nghị tị nạn của cựu nhân viên CIA này. Tại Quốc hội Mỹ, nhiều ý kiến cho rằng những nỗ lực không thành công của chính quyền Mỹ trong việc thuyết phục Mátxcơva trao trả "kẻ đào tẩu" E.Snowden là một thất bại trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, điện Kremlin lại có những lý do riêng để ủng hộ cho việc làm gây mất lòng với Nhà Trắng này. Nga cho hay, việc từ chối dẫn độ E.Snowden là không trái với luật pháp vì Nga chưa từng có hiệp ước dẫn độ nào với Mỹ kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, Mátxcơva không có cơ sở pháp lý để trục xuất E.Snowden khi anh này không phạm phải bất cứ tội danh nào trên lãnh thổ Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định Nga có một chính sách đối ngoại độc lập, không thể và sẽ không hành xử giống những nước khác. Nhưng nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh E.Snowden sẽ chỉ được chào đón ở Nga nếu anh ta ngừng tiết lộ thêm những bí mật của Chính phủ Mỹ. Mátxcơva không chấp nhận bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến mối quan hệ Nga - Mỹ.

Điện Kremlin lập luận việc cấp quy chế tị nạn tạm thời một năm và có thể gia hạn từng năm một cho E.Snowden chưa đủ hệ trọng để có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ chính trị giữa Mátxcơva và Washington. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Tổng thống B.Obama và các nghị sĩ Mỹ tuyên bố một khi Mátxcơva đã cho phép "kẻ phản bội" được sinh sống, làm việc và đi lại trên lãnh thổ Nga thì mọi chuyện giữa Nga và Mỹ sẽ không thể như xưa. Tổng thống B.Obama cũng đang xem xét hủy cuộc gặp song phương với Tổng thống V.Putin trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Saint Peterbourg, Nga, vào tháng 9 tới. Thực tế, Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan điểm "số phận" của cuộc hội đàm này phụ thuộc rất nhiều vào việc Mátxcơva ứng xử như thế nào với cựu điệp viên CIA đang trốn chạy.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định quan hệ giữa hai cường quốc chắc chắn bị tổn hại nhưng sẽ không tới mức nguy cấp vì hai bên vẫn có nhu cầu và lợi ích chung trong việc duy trì quan hệ song phương. Dù thể hiện sự phản đối nhưng Đại sứ Mỹ tại Liên bang Nga Michael McFaul đã có cuộc gặp với ông Yury Ushakov, cố vấn chính sách ngoại giao của Tổng thống V.Putin, để thảo luận về các diễn biến mới liên quan tới E.Snowden.

Tuy nhiên, điều đó cũng không có ý nghĩa nhiều hơn việc đây chỉ là nỗ lực duy trì mối liên hệ giữa hai nước và không thể khiến mối quan hệ xa cách giữa Nga - Mỹ xích lại gần nhau hơn, Thời gian qua, Washington và Mátxcơva đã có nhiều khác biệt liên quan đến một loạt vấn đề từ cuộc nội chiến ở Syria, tranh cãi hạt nhân Iran đến chương trình cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược… Sự bất đồng trong vụ E.Snowden do vậy đã báo hiệu những sóng gió mới trên con đường "tái khởi động" mối quan hệ với Nga của chính quyền Tổng thống B.Obama.

Thùy Dương