"Mùa hạ cuối cùng": Sân khấu kết hợp với điện ảnh

Văn hóa - Ngày đăng : 07:53, 03/08/2013

(HNM) - Cân nhắc làm thêm một kịch bản của Lưu Quang Vũ, NSƯT Chí Trung đã chọn và đang


- Tại sao một lần nữa anh đặt mình vào thế khó khi dựng lại “Mùa hạ cuối cùng” đã từng rất thành công dưới bàn tay của NSND Phạm Thị Thành hơn 30 năm trước?

- Ngoài việc hưởng ứng liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phát động và sẽ diễn ra vào tháng 9, đối với tôi, Lưu Quang Vũ là một tác gia tôi rất trân quý và có sức ảnh hưởng lớn. Tôi có hẳn một tủ để tất cả kịch bản của anh và vẫn thỉnh thoảng đọc. Khi dựng lại “Lời thề thứ 9” để tạo điều kiện cho anh em diễn viên trẻ trở lại với chính kịch, tôi cũng rất băn khoăn vì bản dựng của NSND Xuân Huyền đã tạo cơn sốt cuối những năm 80 thế kỷ trước với 350 suất diễn khắp mọi miền đất nước. Nhưng khi ra mắt, vẫn có nhiều khán giả xem, bởi vở kịch còn nguyên giá trị thời sự cho đến ngày nay. Người tốt vẫn tan nát thế và kẻ cường quyền thì câu kết lại, mạnh hơn, sang trọng hơn. Với “Mùa hạ cuối cùng” cũng vậy, tôi đọc kịch bản, thấy gai cả người. Vấn đề bức xúc của giáo dục vẫn còn nguyên đó: gian lận trong thi cử và sự mất niềm tin của thế hệ trẻ với những người gieo hạt giống tâm hồn. Bản thân kịch bản rất hay, nếu vở diễn không thành công là ở đạo diễn và diễn viên. Làm nghề thì phải dấn thân chứ.

- Điều gì làm anh tâm đắc trong vở “Mùa hạ cuối cùng”?

- Kịch bản nói về sự gian dối trong thi cử. Các nhà giáo trong đó đều gian dối. Họ phân hóa theo nhiều tầng, từ trưởng khoa, phó khoa, chủ nhiệm… mỗi người một tính cách và một cách thể hiện riêng. Chỉ có thầy dạy toán là người chú ý dạy học sinh đạo đức và luôn đấu tranh với điều xấu. Thế nhưng, khi một cậu học trò biết đề thi trước, kiên quyết không giải và “bung” chuyện gian dối ra thì chẳng còn ai đứng về phía cậu, kể cả thầy dạy toán cũng khuyên cậu nên nhượng bộ. Và cậu học trò đó mất niềm tin với tất cả. Cái hay của Lưu Quang Vũ là từ đây anh mới mở ra kịch. Tưởng rằng, kịch là việc lộ đề thi, là vấn đề gian dối trong giáo dục nhưng hóa ra kịch lại là việc mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống. Một cảnh báo không chỉ dành cho riêng ai, ngay cả bây giờ.

- Tuy kịch bản vẫn thời sự nhưng chắc hẳn anh phải làm khác đi để tạo dấu ấn đạo diễn của mình trong bản dựng này?

- Bản dựng mới của tôi là sự kết hợp giữa sân khấu và điện ảnh. Chi tiết thì tôi không thể tiết lộ nhiều nhưng khi xem khán giả sẽ có cảm giác nhiều lớp, như thể diễn viên bước từ màn ảnh vào sân khấu và ngược lại. Tôi đã mời anh Phạm Việt Thanh làm cố vấn điện ảnh, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc viết nhạc cho vở kịch. Lâu lắm rồi mới có chuyện mời nhạc sĩ viết ca khúc chủ đề và nhạc riêng đấy. Trước nay, do kinh phí hạn hẹp, các vở toàn chọn nhạc vào kịch nên không ăn nhập mấy. Họa sĩ Doãn Bằng sẽ dựng sân khấu và liên quân hai đoàn kịch 1 và 2 với 46 diễn viên tham gia.

- Kịch cho thiếu nhi cũng có, kịch cho người lớn càng nhiều, nhưng kịch cho thanh thiếu niên thì quá hiếm. Hẳn anh cũng có định hướng phục vụ đối tượng khán giả này ở “Mùa hạ cuối cùng”?

- Đó là ý định của tôi. Bản dựng của NSND Phạm Thị Thành trước đây có Lê Khanh, tôi, Đức Hải, Minh Hằng, Ngọc Huyền… diễn đã để lại nhiều ấn tượng, hầu như suất diễn nào cũng thấy khán giả khóc. Nhưng lứa đó giờ đứng tuổi hết rồi, tôi muốn hướng và thể hiện “Mùa hạ cuối cùng” này cho khán giả trẻ, các bạn tuổi “teen”. Họ giờ sống hối hả, theo trào lưu và mình cũng phải điều chỉnh theo. Tôi không sửa kịch bản mà đẩy tiết tấu kịch nhanh hơn, có sử dụng một chút ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ cho phù hợp hơn.

- Xin cảm ơn anh!

An Nhi thực hiện