Ngân hàng Phát triển Châu Á: Đồng hành cùng Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 07:11, 03/08/2013
Đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á thăm dự án Trạm biến áp 220kV Vân Trì (Đông Anh). |
Hiệu quả từ những dự án
Trao đổi với phóng viên trong chuyến thị sát dự án mới đây cùng Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura và Giám đốc quốc gia AFD tại Việt Nam Jean-Marc Gravellini, đại diện EVNNPT cho biết, truyền tải điện là lĩnh vực đầu tư lâu dài, không mang lại lợi nhuận kinh tế cao nên khó thu hút các nhà đầu tư tham gia. Nếu không có viện trợ của ADB và AFD, EVNNPT sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai các dự án thuộc lĩnh vực này.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế phụ tải của Hà Nội liên tục tăng cao nhiều năm qua (trên 15%/năm) dẫn tới quá tải lưới điện, trong đó có lưới điện truyền tải 220kV, ADB quyết định tài trợ cho dự án này 120 triệu USD, AFD tài trợ 40 triệu euro. Đánh giá cao hiệu quả của dự án trong chuyến thị sát, ông Tomoyuki Kimura cho biết: "Dù không nhìn thấy dòng điện truyền từ chỗ này sang chỗ khác, nhưng chỉ với việc bảo đảm cung cấp khoảng 1/4 sản lượng điện cho Hà Nội cho thấy dự án đang phát huy hiệu quả".
Trạm biến áp Vân Trì chỉ là một trong nhiều dự án mà ADB hỗ trợ vốn kể từ khi nối lại hoạt động tại Việt Nam vào năm 1993 đến nay. Theo số liệu thống kê của ADB, tổng số lũy kế các khoản cho vay của ADB dành cho Việt Nam thuộc các lĩnh vực đến hết năm 2012 là 5.531,8 triệu USD. Hiện ADB là một trong ba nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam và Việt Nam là nước có lượng vay lớn thứ 3 trong số các quốc gia trong khu vực được ADB tài trợ.
Ông Tomoyuki Kimura cho biết, trong quá trình xây dựng Chiến lược quan hệ đối tác quốc gia (CPS) giai đoạn 2012-2015, ADB đã phối hợp với các đối tác phát triển để đưa ra các chiến lược phù hợp với Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội (SEDP) 2010-2015 của Việt Nam. Theo đó ADB sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam 3 trụ cột: Tăng trưởng toàn diện; Nâng cao hiệu suất kinh tế; Môi trường bền vững. Trong đó, các lĩnh vực được ADB ưu tiên tại Việt Nam thời gian tới gồm: Nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và môi trường (ANR), giáo dục, năng lượng, tài chính, giao thông, nước sạch và đô thị.
Những khuyến nghị
Có một thực tế là hầu hết dự án sử dụng nguồn vốn ODA nói chung và vốn vay của ADB được triển khai tại Việt Nam thời gian qua đều bị chậm tiến độ. Có nhiều lý do dẫn đến sự chậm trễ này như việc thành lập ban quản lý dự án muộn, thiếu vốn đối ứng, việc giải phóng mặt bằng còn chậm… Đây là vấn đề được các nhà tài trợ quốc tế đặc biệt quan tâm khi đưa ra quyết định cung cấp ODA cho Việt Nam.
Mặc dù đến nay chưa có dự án viện trợ ODA nào của ADB tại Việt Nam phải ngừng thi công hay thu hồi vốn do Chính phủ luôn hợp tác chặt chẽ với ADB để thực hiện tốt các khuyến nghị khi dự án gặp trở ngại, tuy nhiên ông Tomoyuki Kimura vẫn đưa ra những khuyến nghị: "Hiện nay, tốc độ giải ngân các dự án ODA không chỉ của ADB mà nhiều nhà tài trợ khác tại Việt Nam vẫn còn chậm, bởi Chính phủ có quá nhiều dự án trọng điểm, ưu tiên. Vì thế, ADB khuyến nghị Chính phủ Việt Nam rà soát lại toàn bộ các danh mục đầu tư, các dự án trọng tâm ưu tiên từ cấp trung ương đến địa phương xem dự án nào là ưu tiên thực sự. Chúng ta không nên đầu tư dàn trải nhằm tránh lãng phí, trong khi nhiều dự án cần thiết hơn lại không có vốn để thực hiện".
Nhiều năm qua, Việt Nam luôn được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi Cộng đồng ASEAN được hình thành vào năm 2015, sự cạnh tranh càng trở nên quyết liệt hơn. Ông Tomoyuki Kimura cho rằng, nếu Việt Nam chỉ dựa vào nguồn nhân lực giá rẻ để thu hút các nhà đầu tư thì không thể thành công, bởi lợi thế này đang dần thuộc về các nước khác trong khu vực như Campuchia, Lào, Myanmar. "Trong bối cảnh cạnh tranh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như hiện nay, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển hơn nữa ngành công nghiệp phụ trợ, gia tăng chuỗi giá trị ngành công nghiệp… Đây là yếu tố giúp Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực" - ông Tomoyuki Kimura nhận định.