Kiểm tra, quản lý chất lượng thực phẩm: Địa phương “kêu” không đủ trang thiết bị
Đời sống - Ngày đăng : 06:08, 03/08/2013
Chất lượng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi nằm ngoài danh mục cho phép đang bày bán công khai ở nhiều nơi… Những vấn đề không mới nhưng "nóng" này lại được đưa ra trong hội nghị trực tuyến về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 2-8.
Mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm theo quy trình hiện đại vẫn chưa thực sự phát triển. Ảnh: Huy Hùng |
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc, hiện nay, số cơ sở vật tư nông nghiệp và kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố khá lớn, nhiều quận có tới 4.000 cơ sở, các huyện trung bình cũng có 300-1.000 cơ sở. Toàn thành phố đã kiểm tra hơn 4.000 cơ sở kinh doanh nông nghiệp và có tới trên 1.000 cơ sở vi phạm quy định về chất lượng ATTP… |
Kiểm tra là ra vi phạm
Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong 7 tháng đầu năm 2013, các đơn vị của ngành nông nghiệp đã tiến hành kiểm tra, giám sát các chất độc hại trong thủy sản, kết quả đã phát hiện 11 mẫu tồn dư hóa chất, kháng sinh vượt tiêu chuẩn cho phép, trong đó 4 mẫu cá tra nhiễm methyltestoterone, Diethylstibestrol, Quinolones; 4 mẫu tôm thẻ chân trắng nhiễm chất trichlorfon, tetracycline, oxytetracyclin và malachite. Ngoài ra, đã phát hiện 2 mẫu sò điệp và sò lông nhuyễn thể nhiễm độc tố lipophilic, 3 mẫu thịt gà nhiễm vi sinh vật gây bệnh campylobacter spp (chiếm 7,7%), 2 mẫu thịt gia súc, gia cầm nhiễm kháng sinh cấm chloramphenicol, 4 mẫu nhiễm furazolidon và 4 mẫu có chất tetracycline vượt giới hạn cho phép.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, đối với việc thực hiện Thông tư 14 của Bộ NN&PTNT (về kiểm tra, phân loại và đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản) thì số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản xếp loại C chiếm tới 38%; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm xếp loại C chiếm 44,7%. Trong 7 tháng đầu năm 2013, các địa phương đã kiểm tra 6.976 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó có 1.126 cơ sở vi phạm (chiếm 16,4%); kiểm tra 1.437 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó có 240 cơ sở vi phạm (chiếm 16,7%)...
Mới kiểm soát "phần ngọn"
Các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng, trong 5 tháng cuối năm 2013, Bộ NN&PTNT cần sớm hoàn thành trình Chính phủ ban hành đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ rau, củ, quả đến giết mổ gia súc, gia cầm để từng bước kiểm soát được tận gốc các nguồn thực phẩm cung cấp ra thị trường. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa Lê Như Tuấn nhận định, việc quản lý chất lượng ATTP nông nghiệp vẫn còn khó khăn bởi các ngành chức năng chỉ kiểm tra được các đại lý bán hàng tại chợ mà không kiểm soát được các cơ sở sản xuất nên không giải quyết được tận gốc vấn đề. Các địa phương không đủ trang thiết bị để kiểm tra, phân tích lấy mẫu nên đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu cho Chính phủ đầu tư đồng bộ các cơ sở, trung tâm kiểm nghiệm từ Trung ương xuống địa phương.