Thủ đô Hà Nội sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính: Bước chuyển mạnh mẽ
Chính trị - Ngày đăng : 05:48, 03/08/2013
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Chương trình 04 về phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chương trình 04 được triển khai thực hiện lồng ghép với các nội dung của phong trào TDĐK XDĐSVH, mang lại hiệu quả thiết thực.
Huyện Thạch Thất đã khôi phục trở lại văn hóa cồng chiêng cho người dân trên địa bàn. |
Đến các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa của Thủ đô Hà Nội hôm nay, ai cũng có thể nhận thấy đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đang đổi thay từng ngày. Ông Hoàng Phương, Chủ tịch UBND xã Yên Trung (Thạch Thất) cho biết: Trước khi mở rộng địa giới hành chính, một số nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đồng bào Mường ở Yên Trung hầu như không còn. Người dân bán hết cồng chiêng, bỏ quên "món đặc sản" tinh thần này. Nay thì đã khác rồi, huyện Thạch Thất đầu tư 2 bộ cồng chiêng cho thôn Lặt và thôn Đồng Tơi, thôn Đồng Sở và thôn Hội tự mua thêm hai bộ nữa, "hồn Mường" vì thế đã trở lại. Nhân dân vui lắm. Hầu hết phụ nữ trung niên ở các thôn tham gia sinh hoạt cồng chiêng. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, Yên Trung có thêm 6 nhà văn hóa được xây dựng (mỗi nhà 2-3 tỷ đồng), trong đó có 3 nhà đã đưa vào sử dụng.
Nhân dân xã Đông Xuân (Quốc Oai) cũng hào hứng trước nhiều đổi thay. Từ chỗ hiếm khi có đội chiếu bóng lưu động nào đặt chân đến, nay mỗi năm, dân Đông Xuân được xem 3 buổi chiếu phim miễn phí, 5-6 chương trình nghệ thuật đặc sắc. Nhiều hủ tục được loại bỏ. Ông Đinh Công Vụ, cán bộ văn hóa xã Đông Xuân nhận xét: Sau ngày mở rộng địa giới hành chính, Đông Xuân được thành phố đầu tư kinh phí xây dựng 7 nhà văn hóa ở 7 thôn, 2 thôn còn lại đã có tờ trình xin xây dựng; số hộ gia đình văn hóa tăng hơn 20% trong 5 năm.
Nhân rộng mô hình tiên tiến
Với kinh nghiệm triển khai thành công mô hình tang văn minh, bà Nguyễn Kim Ngân, Trưởng phòng VH-TT huyện Đông Anh, chia sẻ: Công tác tuyên truyền và thái độ làm gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên có vai trò vô cùng quan trọng, song yếu tố quan trọng không kém chính là sự đầu tư, hỗ trợ kinh phí của Nhà nước cho các chương trình, kế hoạch đề ra. Theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông, từ năm 2009 đến nay, ngoài việc nghiêm khắc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, quận đã chi hơn 3 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa. Nhờ đó, mô hình cưới văn minh ở Hà Đông đã và đang là điểm sáng của Thủ đô, được các cấp, các ngành chức năng khuyến khích nhân rộng. Sau một thời gian triển khai thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn và Quyết định 07/2012/ QĐ-UBND ngày 27-4-2012 của UBND TP quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, mô hình cưới tiệc trà, trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND phường, xã; mô hình tổ chức cưới một ngày với lượng cỗ không quá 50 mâm xuất hiện ở nhiều địa phương, được người dân nhiệt tình hưởng ứng.
Trong quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, thành phố tiếp tục đặt ra mục tiêu xây dựng các mô hình văn hóa phù hợp với từng địa bàn nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở. Hướng đi đúng đắn cộng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, chắc chắn chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân Thủ đô sẽ ngày một khởi sắc.