Huyện Phúc Thọ: Làng quê khởi sắc
Xã hội - Ngày đăng : 06:01, 02/08/2013
Nổi bật, kinh phí đầu tư cho phát triển hằng năm tăng đáng kể, nhất là đầu tư cho phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, giáo dục, văn hóa, y tế... Các chương trình đều gắn với xây dựng nông thôn mới, làm cho diện mạo làng quê thêm khởi sắc. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc về đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chỉ đạo giải quyết kịp thời... Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có những đổi mới theo hướng ngày càng khoa học, kịp thời, quyết liệt, bài bản hơn. Nhiều mô hình tốt của thành phố được huyện Phúc Thọ học tập, rút kinh nghiệm.
Mô hình nuôi lợn rừng ở huyện Phúc Thọ đạt hiệu quả kinh tế cao. |
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn cho biết thêm: Bức tranh kinh tế nông thôn của huyện như "lột xác" sau hợp nhất, thể hiện ở cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Trước năm 2008, tỷ trọng nông nghiệp của huyện chiếm 40,1% cơ cấu kinh tế thì hết năm 2012 giảm xuống chỉ còn 30%. Mặc dù bị ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện 5 năm qua vẫn duy trì trên 10% năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 17,6 triệu đồng/năm, tăng 36% so với trước khi về Hà Nội; số gia đình nghèo giảm xuống chỉ còn 2.577 hộ, chiếm 6,02% dân số, còn số cận nghèo là 2.188 hộ, chiếm 5,11% dân số. Với tiềm năng, lợi thế, Phúc Thọ đã trở thành một trong ba địa phương có phong trào sản xuất nông nghiệp mạnh nhất thành phố. Toàn huyện có 265 dự án chuyển đổi cơ cấu kinh tế với diện tích gần 500ha, trong đó 75 dự án đạt tiêu chí kinh tế trang trại; huyện đã hình thành các cánh đồng mẫu lớn và vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn như sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại xã Thanh Đa với diện tích 50ha, Võng Xuyên 70ha, Thọ Lộc 50ha, Hát Môn 50ha...
Đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế... của Phúc Thọ trong 5 năm qua có nhiều khởi sắc. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hàng năm có trên 83% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 84 làng có quy ước làng văn hóa... Huyện hiện có 21 trường học đạt chuẩn quốc gia; 23 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực... Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu cho biết, cùng với phát huy giá trị truyền thống quý báu của quê hương xứ Đoài, về với Thủ đô, người dân Phúc Thọ đã tiếp thu những tinh hoa văn hóa Thăng Long. Sự giao thoa đó đã tạo nên giá trị văn hóa mới, năng động, táo bạo hơn và mang tính thời đại. Cách thức tổ chức sinh hoạt văn hóa được đổi mới cũng như việc tiếp cận thông tin đa dạng, mở rộng đã góp phần nâng cao nhận thức, khẳng định giá trị, vị thế của người Phúc Thọ trong tổng thể chung của người dân Thủ đô.