Bóng đá nữ Hà Nội: Sức mạnh nhân đôi
Thể thao - Ngày đăng : 06:59, 01/08/2013
Tháng 6 vừa qua, đội bóng đá nữ Hà Nội 1 đã lên ngôi vô địch tại Giải Vô địch quốc gia 2013. Đấy là lần vô địch thứ ba của Hà Nội sau ngày mở rộng địa giới hành chính Thủ đô trong 5 kỳ giải vô địch quốc gia nữ gần đây. Hơn một tháng sau đó, đội bóng đá U19 nữ Hà Nội giành chức vô địch sớm một vòng đấu tại Giải Vô địch bóng đá U19 nữ quốc gia. Tất cả những lần lên ngôi đó đều diễn ra trong sự tâm phục khẩu phục của các đối thủ.
Bóng đá nữ Hà Nội ngày càng phát triển mạnh.Ảnh: Minh Hoàng |
Ngay từ năm 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nhiều chuyên gia đã nhận định rằng sức mạnh của bóng đá nữ sẽ nhân lên gấp bội. Nhận định ấy hoàn toàn có cơ sở bởi trước năm 2008, cả Hà Nội và Hà Tây đều trong nhóm dẫn đầu về bóng đá nữ. Hà Nội - Hà Tây - TP Hồ Chí Minh tạo ra thế chân vạc, từng một thời thống trị bóng đá nữ quốc gia, trong đó bóng đá nữ Hà Nội nổi bật hơn cả. Việc sớm phát triển bóng đá nữ và nhiều lần vô địch quốc gia đã giúp Hà Nội xác lập được vị thế riêng. Hà Tây phát triển bóng đá nữ sau Hà Nội một chút nhưng lại có bước tiến thần tốc cả về xây dựng hệ thống đào tạo lẫn thành tích tại các giải vô địch quốc gia. Thành tích ấn tượng nhất mà bóng đá nữ Hà Tây giành được là chức vô địch quốc gia năm 2006. Trước và sau đó, nhiều lần bóng đá nữ Hà Tây ở trong nhóm 3 đội dẫn đầu, đóng góp không ít cầu thủ cho đội tuyển quốc gia. Vì vậy, khi hợp nhất, sự kết hợp giữa đội ngũ chuyên gia, hệ thống đào tạo trẻ, lực lượng cầu thủ cùng hệ thống cơ sở vật chất của bóng đá nữ Hà Nội và Hà Tây là lý do để nhiều người tin tưởng vào sự phát triển ổn định của bóng đá nữ Hà Nội.
Những dự báo ấy đã thành hiện thực. Ở Giải vô địch quốc gia, bất chấp sự vươn lên của nhiều đội khác, bóng đá nữ Hà Nội vẫn chiếm ưu thế. Không phải lúc nào bóng đá nữ Hà Nội cũng vô địch quốc gia nhưng sự thừa nhận dành cho bóng đá Hà Nội vẫn nguyên vẹn. Trong giai đoạn hiện nay, duy trì một đội bóng đá nữ để dự giải quốc gia là điều khó khăn với nhiều địa phương nhưng với Hà Nội lại khác, nhờ sự "dư dả" về lực lượng và quyết tâm của nhà quản lý, Hà Nội đưa cả đội 1 và đội 2 dự giải vô địch quốc gia. Hai đội này được thành lập, ban đầu dựa trên nền lực lượng sẵn có của Hà Nội và Hà Tây. Về sau, đội Hà Nội 2 được xác định là bệ phóng cho các cầu thủ trẻ, nơi tích lũy kinh nghiệm trước khi đủ sức thay thế đàn chị ở đội 1. Điều ấy giải thích tại sao đội nữ Hà Nội 1 luôn dồi dào lực lượng, đóng góp nhiều cầu thủ cho đội tuyển quốc gia. Đến giờ, trong đội hình chính đội tuyển quốc gia luôn có hơn nửa là cầu thủ Hà Nội như: Nguyễn Ngọc Anh, Kim Xuyến, Kim Tiến, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Muôn. Họ, cũng như nhiều cầu thủ khác hiện nay của Hà Nội, trưởng thành từ hệ thống đào tạo của Hà Nội và Hà Tây (trước đây), giờ cùng chung màu áo, chung quyết tâm phấn đấu vì mục tiêu của bóng đá Thủ đô.
5 năm qua, không chỉ bóng đá nữ mà nhiều bộ môn thể thao Hà Nội cũng được lợi khi sở hữu nguồn VĐV trẻ tài năng của Hà Tây (trước đây), bớt phụ thuộc vào nguồn tuyển từ các tỉnh ngoài. Bóng đá nữ Hà Nội cũng có sự dịch chuyển, cơ cấu lại cho phù hợp với điều kiện mới: Đưa đội tuyển nữ về SVĐ Hà Đông và tập trung phát triển VĐV năng khiếu ở Phú Xuyên, Thường Tín - những địa phương có truyền thống về bóng đá nữ, luôn dồi dào tài năng trẻ. Với trên 100 VĐV ở các lớp năng khiếu, Hà Nội là địa phương có tuyến trẻ mạnh nhất trong toàn quốc. Tổng Thư ký LĐBĐ Hà Nội Phan Anh Tú khẳng định: "Cuộc hợp nhất đã nhân đôi sức mạnh của bóng đá nữ Hà Nội. Thủ đô có thể tự hào vì đang sở hữu nguồn cầu thủ nữ đông đảo và tài năng nhất Việt Nam. Điều đó, cộng với sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo thành phố, bóng đá nữ Hà Nội đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển". Vấn đề chỉ là duy trì sự ổn định cũng như biết cách tận dụng lợi thế của mình mà thôi.