Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô: Cho Hà Nội mang tầm vóc mới

Kinh tế - Ngày đăng : 06:05, 01/08/2013

(HNM) - Ba năm sau khi Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Thủ tướng đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.



Qua nhiều lần điều chỉnh địa giới, phê duyệt quy hoạch chung, đây là lần đầu tiên Hà Nội có một đồ án quy hoạch đồ sộ, cả về phạm vi nghiên cứu, quy mô nghiên cứu, cách thức nghiên cứu, mô hình cấu trúc đề xuất.

Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Ảnh: Duy Tường


Chuẩn bị cho chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Bộ Xây dựng đã từng đưa ra 5 phương án khác nhau, kể cả việc mở rộng sang một phần tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên… Sau nhiều lần bàn bạc, cân nhắc, từ 5 phương án rút xuống còn 2 phương án để lựa chọn. Cuối cùng, phương án 1 chính là Hà Nội hiện nay, mở rộng bao gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), đã được lựa chọn trình Quốc hội vì đây là phương án bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững cho Thủ đô Hà Nội hơn cả. Nếu tính từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính, với quy mô lớn nhỏ khác nhau, nhưng lần điều chỉnh địa giới 1-8-2008 là lần điều chỉnh mở rộng địa giới lớn nhất, với tổng diện tích tự nhiên lên tới 3.344km2, để Hà Nội trở thành đô thị lớn nhất nước và là 1 trong 17 đô thị có quy mô lớn trên thế giới.

Với tầm vóc như vậy, đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng là đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đồ sộ nhất được nghiên cứu từ trước đến nay; được xây dựng công phu, bài bản, tập hợp trí tuệ của các tầng lớp chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực và đông đảo nhân dân. Cũng phải nhắc lại rằng, gần như ngay lập tức sau khi Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội bắt tay vào nghiên cứu đồ án quy hoạch này. Lần đầu tiên một cuộc đấu thầu quốc tế rộng rãi để chọn những tư vấn tốt nhất nghiên cứu đồ án được Bộ Xây dựng tổ chức. Cuối cùng, Bộ Xây dựng cùng các chuyên gia đã chấm, lựa chọn được liên danh 3 nhà thầu của Hoa Kỳ và Hàn Quốc, phối hợp cùng tư vấn Việt Nam triển khai. Trước khi được phê duyệt, dự thảo đồ án được triển lãm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lấy ý kiến đông đảo, rộng rãi nhân dân Thủ đô và cả nước.

Trước khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có đồ án quy hoạch chung xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998. Xa hơn nữa, Thủ đô Hà Nội đã có 7 lần được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng nhưng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, Hà Nội đã mang một mô hình cấu trúc mới. Đó là chùm đô thị, với đô thị trung tâm phát triển đến Vành đai 4 cả hai bên sông Hồng; với 5 đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây, Sóc Sơn; là các thị trấn sinh thái Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn… Đô thị trung tâm được phân cách bởi vành đai xanh, hành lang xanh, nêm xanh chiếm tới 70% diện tích tự nhiên của thành phố. Đất xây dựng đô thị phát triển tới gần 73.000ha vào năm 2020 và 94.700ha vào năm 2030, chiếm 23% diện tích tự nhiên, gấp 5 lần hiện nay. Để đạt được chỉ tiêu phát triển sau quy hoạch chung, Hà Nội đã có những bước đi bài bản: Triển khai nghiên cứu 140 đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị vệ tinh, thị trấn, khu trung tâm... từ đó làm cơ sở triển khai tiếp các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư phát triển.


Qua chặng đường 5 năm sau ngày mở rộng địa giới, đã có một khối lượng lớn công việc đã làm được, nhưng những gì còn ở phía trước cũng không kém đồ sộ. Đơn cử như khu vực Bắc sông Hồng (quận Long Biên, huyện Đông Anh) dự kiến phát triển đô thị với dân số 1 triệu người, nhưng đã không đạt được như tính toán hay việc di dời trụ sở bộ, ngành, bệnh viện, trường học… cũng chậm vì thiếu cơ chế, chính sách…

Quản lý đô thị trong đó có việc nghiên cứu, lập, phê duyệt quy hoạch, luôn là vấn đề có tồn tại và đặc thù, bởi vậy phải xác định rõ đặc thù đô thị để lựa chọn cơ chế chính sách quản lý và hệ thống tổ chức thích hợp. Hy vọng Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, sẽ tạo động lực mới và hành lang pháp lý cho Hà Nội phát triển mang tầm vóc mới.

Y Linh