Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
Chính trị - Ngày đăng : 05:59, 01/08/2013
Thống kê cho thấy, năm 2007, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội đạt 2.000 USD/năm, trong khi ở Hà Tây (cũ) là 520 USD. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục... cũng có một khoảng cách, đòi hỏi các cấp, ngành phải nhanh chóng vào cuộc nhằm chung tay phát triển Hà Nội cho xứng tầm với vị thế mới.
Ảnh minh họa. |
Trên thực tế, cùng với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là một trong hai địa phương tập trung một lượng lớn DN, có đóng góp quan trọng vào tổng thu NSNN của cả nước. Trong 5 năm qua, công tác thu NSNN luôn được UBND thành phố và các sở, ngành liên quan tập trung thực hiện. Nhiều sáng kiến, giải pháp đã được triển khai nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng DN trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), từ đó đóng góp tích cực trở lại vào NSNN. Mặc dù trong 5 năm qua, kinh tế nước ta chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do suy giảm kinh tế toàn cầu, song nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN đã được triển khai kịp thời, Hà Nội vẫn trở thành một trong hai địa phương có số thu NSNN đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng, tương đương 20% tổng thu ngân sách cả nước hằng năm. Với nỗ lực của liên ngành thuế, tài chính, hải quan, kho bạc nhà nước, nhiều giải pháp hỗ trợ DN được triển khai, giúp DN đẩy mạnh SXKD và hoạt động thương mại xuất nhập khẩu. Bên cạnh việc triển khai dự án thu NSNN qua hệ thống ngân hàng thương mại, ngành thuế, hải quan đã tích cực triển khai dự án cải cách, hiện đại hóa thủ tục thuế, hải quan, tiết giảm thời gian, chi phí cho DN. Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử, hỗ trợ DN kê khai thuế qua mạng đã mang lại những lợi ích thiết thực và được cộng đồng DN đánh giá cao.
Đến nay, Hà Nội có 2.486 trường học, trong đó 673 trường đạt chuẩn quốc gia với 1,5 triệu học sinh và hơn 110 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên; 405 cơ sở giáo dục ngoài công lập với 7.381 nhóm, lớp học, 176.842 học sinh và 16.577 giáo viên; 266 trường và cơ sở đào tạo nghề. Ước 6 tháng đầu năm, các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh và đào tạo cho 59.000 lượt người, đạt 40,1% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2013, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn dự kiến đạt 90.828 tỷ đồng, tăng 11,4% so với nửa đầu năm trước, trong đó vốn nhà nước trên địa bàn tăng 15,4%... Những kết quả này có phần đóng góp quan trọng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Song theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng, mặc dù nguồn thu ngân sách vẫn tăng qua các năm nhưng vẫn không đủ để mạnh tay đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách an sinh xã hội và giải quyết những bức xúc đang tồn tại trên địa bàn. Trước thực tế này, thành phố đã quyết định phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu Thủ đô (TPTĐ) giai đoạn 2013-2015, số tiền thu được sẽ sử dụng cho 8 dự án trọng điểm đã được HĐND thành phố phê duyệt, trong đó có 5 công trình hạ tầng nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, 2 bệnh viện khu vực ngoại thành, 1 dự án xây dựng các trạm bơm nhằm cải thiện hệ thống tưới tiêu tại khu vực nông thôn. Việc sử dụng nguồn vốn TPTĐ sẽ được thực hiện đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả. Cuối tháng 6 vừa qua, TP Hà Nội đã huy động thành công 1.000 tỷ đồng TPTĐ, kỳ hạn 5 năm với lãi suất trúng thầu 8,7%/năm. Cùng với việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2013 ở mức cao nhất để tạo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, nguồn vốn huy động được từ phát hành TPTĐ sẽ được ưu tiên đầu tư cho các công trình dân sinh bức thiết nhằm từng bước cải thiện đời sống người dân, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vị thế "trái tim của cả nước" trong giai đoạn mới.