Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thẻ ngân hàng

Tài chính - Ngày đăng : 07:06, 02/02/2023

(HNM) - Cùng với hoạt động thanh toán điện tử, các giao dịch thực hiện qua thẻ cũng tiếp tục tăng và đang được đẩy mạnh phát triển. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng số lượng thẻ nội địa đang lưu hành 112,04 triệu thẻ; tổng số lượng thẻ quốc tế đang lưu hành 29,67 triệu thẻ.

Người dân rút tiền tại một cây ATM trên địa bàn quận Tây Hồ. Ảnh: Đỗ Tâm

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Quang Minh cho biết, tỷ trọng giao dịch thẻ chip thực hiện qua hệ thống NAPAS tiếp tục tăng từ 26% năm 2021 lên đến hơn 60% năm 2022. Hoạt động thanh toán điện tử tiếp tục tăng trưởng nhanh với tổng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thực hiện qua NAPAS tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022. Đồng thời, NAPAS đã triển khai dịch vụ thanh toán vé xe buýt điện Vinbus bằng thẻ NAPAS cho người dân tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Để mở rộng kết nối quốc tế, NAPAS đã kí thỏa thuận hợp tác với Công ty Thẻ BC Card, Hàn Quốc về thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân hai nước, cho phép chủ thẻ NAPAS của 20 ngân hàng có thể thuận tiện rút tiền/thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại Hàn Quốc.  

Theo các chuyên gia, thị trường thẻ ở Việt Nam vẫn nhiều tiềm năng, vì vậy đây không chỉ là sân chơi của ngân hàng mà nhiều công ty tài chính cũng đẩy mạnh chiến lược phát triển thẻ nội địa, tiến đến mục tiêu “mỗi người dân Việt Nam một thẻ tín dụng nội địa”.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) Đỗ Vân Vũ, tốc độ tăng trưởng thẻ tín dụng nội địa của ngân hàng này vượt mong đợi, lên tới hơn 300% so với kết quả của cả năm 2021. Sản phẩm đáp ứng được đúng nhu cầu của cả hai đối tượng khách hàng, các điểm bán lẻ, cửa hàng tạp hóa, công nhân... Hiện HDBank cũng đang miễn phí năm đầu tiên cho khách hàng phát hành thẻ và có thể miễn phí trọn đời cho khách hàng nếu sử dụng gói tài khoản và những sản phẩm “Zero fee” khác.

Lý giải việc chọn sản phẩm thẻ tín dụng nội địa là sản phẩm chủ lực, Tổng Giám đốc VietCredit Hồ Minh Tâm cho hay, Việt Nam còn dư địa rất lớn trong phát triển sản phẩm thẻ tín dụng nội địa. Phân khúc thẻ tín dụng quốc tế tập trung đại đa số là khách hàng có thu nhập cao, sống ở các khu đô thị lớn. Như vậy, các ngân hàng hiện đang bỏ lỡ một lượng khách hàng tiềm năng là những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. 

Một trong những yếu tố giúp VietCredit tự tin vào thẻ tín dụng nội địa có thể phát triển được, bởi mạng lưới các điểm thanh toán trước đây rất hạn chế, tập trung nhiều ở khu vực đô thị, các thành phố lớn. Tuy nhiên, kể từ khi thương mại điện tử ra đời và phát triển “bùng nổ” gần đây chính là bước ngoặt xóa đi điểm yếu về mạng lưới chấp nhận thẻ chưa phổ cập tới vùng sâu, vùng xa.

Để tiếp tục phát triển thẻ, yếu tố quan trọng không chỉ là số lượng, mà còn là hạ tầng và an toàn cho người sử dụng. Theo Tổng Giám đốc NAPAS Nguyễn Quang Minh, NAPAS luôn chuẩn bị sẵn sàng về hệ thống và nguồn lực; xây dựng các phương án bảo đảm an toàn cho các hệ thống thông tin quan trọng, song song mở rộng năng lực xử lý để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng lượng giao dịch lớn. Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247, NAPAS đã chủ động ứng dụng các hệ thống công nghệ, tối ưu hóa các quy trình nâng cao năng lực giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống và nhanh chóng phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhận định, việc tiếp tục giảm tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt so với tổng các giao dịch và tăng về tỷ trọng xử lý thẻ chip cho thấy sự phát triển trong hoạt động thẻ. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo NAPAS cùng các ngân hàng tiếp tục tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm dịch vụ mới, phát triển nguồn nhân lực, chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn. Song song với đó, quan tâm tới công tác phòng, chống rửa tiền, quản lý rủi ro giao dịch gian lận giả mạo, giảm thiểu thiệt hại cho người dân trước các đối tượng lừa đảo. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc phối hợp các đơn vị cung ứng dịch vụ tăng trải nghiệm khách hàng, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi và an toàn.

Hà Linh