Ngành công thương Hà Nội: Tăng trưởng ổn định, mở rộng thị trường

Kinh tế - Ngày đăng : 06:19, 30/07/2013

(HNM) - 5 năm qua, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đồng sức, đồng lòng để đưa thành phố phát triển với những kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp, thương mại.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn 2008 đến nay bị tác động mạnh bởi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, những khó khăn trong nước cũng như những hạn chế của chính các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, cùng với sự cố gắng của các cơ sở sản xuất, DN, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp kịp thời, có hiệu quả như: Hỗ trợ lãi suất vay vốn; thường xuyên tổ chức các chương trình giao ban tháo gỡ khó khăn cho DN; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước thông qua các gói kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng; vận động nhân dân hưởng ứng chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"... Do đó, kết quả sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.

Sản xuất tại Công ty Xích líp Đông Anh. Ảnh: Khánh Nguyên


Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn trung bình từ năm 2008 đến năm 2011 là 102,8 nghìn tỷ đồng/năm, cao hơn nhiều so với giá trị sản xuất công nghiệp trung bình từ năm 2005 đến năm 2007 là 60,3 nghìn tỷ đồng/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2008-2010 là 15,05%, chiếm tỷ trọng 13,5% so với toàn quốc (tốc độ tăng trưởng của toàn quốc là 11,45%).

Sớm nhận thức được vai trò của công nghiệp hỗ trợ, Hà Nội đã chủ động xây dựng đề án và kết hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và DN để phân tích, đánh giá thực trạng, định hướng và đề ra giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Với tính thiết thực, hiệu quả, các hoạt động hỗ trợ của Sở Công thương đã được nhiều DN hỗ trợ ủng hộ và nhiệt tình hợp tác. Đến nay, công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã thực sự trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, được đánh giá cao.

Để tận dụng lợi thế về hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển cụm công nghiệp được chú trọng và triển khai quyết liệt, phù hợp với quy hoạch, mục tiêu phát triển KT-XH của thành phố. Đến hết tháng 5-2013, thành phố đã triển khai xây dựng 107 cụm công nghiệp (47 cụm công nghiệp và 60 cụm tiểu thủ công nghiệp) tại 21 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích quy hoạch 3.192ha (tăng 5 cụm với tỷ lệ diện tích tăng là 2,8% so với trước khi mở rộng địa giới hành chính).

Thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm gần 59% tổng số làng, trong đó 244 làng có nghề truyền thống. Theo đánh giá của Tổ chức JICA Nhật Bản, Hà Nội có 47/52 ngành nghề có xu hướng phát triển nhanh: Gốm sứ, khảm trai, mây tre đan, sơn mài, điêu khắc… Số lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng dần qua các năm (524 nghìn lao động năm 2009, đến năm 2012 là 730 nghìn), góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn. Chương trình truyền nghề, nhân cấy nghề đã góp phần đưa tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên trên 20%, tạo thêm việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn.

Bảo đảm cung cầu hàng hóa, giá cả ổn định

Trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động thương mại trên địa bàn vẫn luôn duy trì được mức tăng trưởng khá. Tình hình cung cầu hàng hóa được bảo đảm, giá cả ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, gây sốt giá, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trung bình giai đoạn 2008-2012 gần 229 nghìn tỷ đồng/năm, cao hơn nhiều so với tổng mức trung bình từ năm 2005 đến năm 2007 là 91,6 nghìn tỷ đồng/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ giai đoạn 2008-2012 là 24,4%, chiếm tỷ trọng 14,2% so với toàn quốc.

Qua các năm, kinh phí thành phố tạm ứng cho DN để dự trữ hàng hóa ngày càng tăng, số lượng mặt hàng ngày càng đa dạng, phong phú và thời gian dự trữ hàng hóa kéo dài đã bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết, đồng thời điều tiết được giá cả các mặt hàng. Việc tham gia chương trình bình ổn giá tạo điều kiện cho các DN liên doanh, liên kết mở rộng thị trường, đồng thời khai thác nguồn hàng từ các nơi khác nhằm bù đắp lượng hàng còn thiếu hoặc trong các thời điểm nguồn cung khó khăn.

Việc triển khai thực hiện chương trình "Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã từng bước tạo nên những chuyển biến về nhận thức và hành động trong việc xây dựng niềm tin, tạo thói quen cho người tiêu dùng sử dụng hàng Việt và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhiều hàng hóa có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu… Sở Công thương phối hợp với các DN đã tổ chức 952 chuyến bán hàng: Phiên chợ Việt, đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp; triển khai các điểm lưu động bán hàng bình ổn giá.

Thanh Mai