Chủ động bảo vệ người lao động
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:44, 30/07/2013
Và chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu trên đường đạt mục đích đó. Về chủ quyền, nước ta đã giành được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và đang có nhiều thuận lợi to lớn trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng đó. Về kinh tế, tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đang trên đường thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Về văn hóa - giáo dục, tuyệt đại đa số công dân Việt Nam được quyền học hành trong một xã hội đang phấn đấu trở thành một xã hội học tập. Về giai cấp, chúng ta đã cơ bản xóa bỏ bóc lột, những giai cấp bị áp bức đã đứng lên làm chủ xã hội, lãnh đạo cách mạng. Nghĩa là trong suốt 68 năm qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc to lớn, cơ bản làm thay đổi bộ mặt xã hội.
Công cuộc đổi mới đất nước cũng đã mang lại rất nhiều thành tựu thiết thực, có ý nghĩa lịch sử. Chưa bao giờ đất nước ta lại lớn mạnh toàn diện như thế, vai trò và uy tín của Việt Nam lại lớn như thế trên trường quốc tế, đời sống của người dân được cải thiện như thế… Tuy nhiên, cũng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khiến nhiều mâu thuẫn mới nảy sinh đòi hỏi chúng ta phải tháo gỡ. Một trong những mâu thuẫn đó là vị thế làm chủ của người lao động trong sản xuất và xã hội đang suy giảm, đời sống người lao động không ổn định, nhiều quyền lợi của người lao động không được bảo vệ, bị cắt xén…
Với nền kinh tế nhiều thành phần, ngoài doanh nghiệp nhà nước, còn có doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân… Các doanh nghiệp này có xu hướng thị trường hóa, tức là vận hành theo quy luật giá trị, lấy lợi nhuận làm mục đích và thước đo kết quả. Trong một cơ chế như thế, hàng loạt giá trị và quy ước cũ bị phá vỡ, người lao động có xu hướng trở thành người bán sức lao động đơn thuần; quyền lợi người lao động mâu thuẫn với quyền lợi của giới chủ và như vậy, nếu nơi nào cán bộ công đoàn đại diện tốt cho người lao động sẽ bị gây khó khăn, cản trở hoạt động. Người lao động còn bị ép làm thêm giờ, bớt xén lương và các quyền phúc lợi khác, bị đe dọa về vật chất và tinh thần, thậm chí bị đuổi việc.
Bị đè nén trong doanh nghiệp, cộng thêm những sức ép từ bên ngoài như lương không đủ sống, không có nhà ở, đi làm quá xa, không có đủ những phương tiện tối thiểu về văn hóa, giáo dục như trường học, trạm y tế, chợ búa, rạp hát, sân vận động và ảnh hưởng của sự băng hoại đạo đức, xuống cấp về văn hóa… đã khiến không ít công nhân và người lao động mất dần quyền làm chủ doanh nghiệp, trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội và nghiêm trọng hơn cả là phai nhạt dần lý tưởng và ý thức chính trị.
Như báo cáo của Ban Chấp hành Công đoàn Việt Nam khóa X trước Đại hội Công đoàn Việt Nam khóa XI đã nhấn mạnh, tăng cường vai trò đại diện của công đoàn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới mà trong đó, việc chủ động bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động là một nhiệm vụ nổi bật. Muốn phát triển bền vững đất nước thì về mặt quan hệ sản xuất phải bảo đảm quyền làm chủ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong sản xuất và đời sống. Mà muốn bảo vệ được người lao động thì phải nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn, phủ kín đoàn viên công đoàn và tổ chức cơ sở công đoàn trong 45% cơ sở ngoài quốc doanh còn lại; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn; đổi mới đồng bộ các chủ trương, chính sách đối với người lao động, huy động nhiều ngành nhiều cấp cùng phối hợp tham gia vào công tác này.
Được chăm lo và được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình đó là mong muốn của hàng chục triệu người lao động cả nước gửi gắm vào những người đại diện hợp pháp của mình, những cán bộ công đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở…