Bỏ phạt xe không chính chủ là hợp lý

Giao thông - Ngày đăng : 07:01, 29/07/2013

(HNM) - Nội dung dự thảo mới nhất về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt được Bộ Giao thông Vận tải công bố, có một số điểm mới...

Việc dự thảo không quy định xử phạt xe không chính chủ và đội mũ bảo hiểm kém chất lượng được đông đảo cán bộ, nhân dân đồng tình. Ảnh: Trọng Hải



Ông Đỗ Văn Hưng (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai):Trách nhiệm thuộc lực lượng QLTT


Tôi rất quan tâm đến Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt mà các cơ quan chức năng đang soạn thảo. Thông tin quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện và hành vi đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng bị bãi bỏ là phù hợp. Trách nhiệm xử phạt mũ bảo hiểm rởm, kém chất lượng thuộc về lực lượng quản lý thị trường (QLTT). Vì vậy, Chính phủ cần quy trách nhiệm rõ và có chế tài xử lý đối với lực lượng này nếu tiếp tục để cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình sản xuất và bán mũ bảo hiểm kém chất lượng ra thị trường.

Ông Phan Văn Toàn (phường Mai Động, quận Hoàng Mai): Cần cân nhắc kỹ trước khi ban hành

Tôi đồng tình với chủ trương loại bỏ quy định xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (xe không chính chủ). Bởi nếu tiếp tục để quy định này, tôi tin rằng sẽ không bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc kỹ dự thảo trước khi ban hành. Hiện tại gia đình tôi đang sở hữu 2 xe không chính chủ. Mặc dù không xử phạt người đi xe không chính chủ nữa, nhưng tôi cũng sẽ sớm hoàn tất thủ tục sang tên người sử dụng xe nhằm bảo đảm quyền lợi của chính mình. Về lâu dài, để quản lý chặt chẽ phương tiện, tránh thất thu thuế, Nhà nước nên sớm có quy định các phương tiện xe cơ giới đăng ký sau ngày Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, khi chuyển nhượng phải thực hiện nghiêm túc việc sang tên đổi chủ. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục xem xét, nghiên cứu, có những văn bản pháp luật đồng bộ, có tính khả thi cao.

Ông Lê Việt Dũng (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông): Vẫn là ý thức của người tham gia giao thông

Tôi thấy có những điểm mới góp phần quy rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong dự thảo lần này là chế tài phạt tới 7-8 triệu đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn từ 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá từ 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở; hay phạt tiền 3-10 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe; tăng mức phạt 15-20 triệu đồng đối với hành vi lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ mà gây tai nạn… Những chế tài này nên sớm được áp dụng vào thực tế, bởi "đánh mạnh" vào kinh tế cũng là biện pháp răn đe hữu hiệu, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, hạn chế và giảm tối đa những hành vi nghiêm trọng đe dọa đến an toàn giao thông và gây tai nạn giao thông. Về vấn đề xe không chính chủ, tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP đã từng quy định mức phạt đối với xe máy từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng và ô tô là 6-10 triệu đồng. Nay Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bỏ xử phạt xe không chính chủ là rất phù hợp với thực tế và giảm bớt được khó khăn cho người sử dụng phương tiện, bởi trên thực tế hiện nay có nhiều trường hợp do chủ cũ đã chết hoặc ra nước ngoài hoặc sang tay quá nhiều chủ... Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của chủ phương tiện. Họ phải tự ý thức bảo vệ quyền lợi bản thân, kịp thời thực hiện thủ tục sang tên, đổi chủ khi nhận chuyển nhượng, mua, bán xe máy, ô tô để tránh xảy ra các tranh chấp, rủi ro sau này.

Bà Lê Thị Hạnh (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai): "Triệt" hàng giả sẽ không xuất hiện chế tài trong nghị định

Thời điểm tháng 3 đến tháng 6-2013, trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, xuất hiện các điểm đổi mũ bảo hiểm (MBH) rởm lấy MBH đạt chất lượng, có trợ giá. Đây là việc làm thiết thực nhằm giúp người tham gia giao thông phân biệt được MBH thật - giả, mua, sử dụng MBH đúng quy cách. Tôi thấy, Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông bỏ xử phạt người đội MBH giả, kém chất lượng là giảm phiền hà cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, lực lượng QLTT và chính quyền sở tại cần phối hợp chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra những cơ sở sản xuất, những điểm kinh doanh MBH, nếu phát hiện MBH giả, kém chất lượng phải tịch thu tiêu hủy ngay, thì sẽ không còn tình trạng MBH giả trôi nổi trên thị trường. Riêng vấn đề bỏ xử phạt xe không chính chủ là rất phù hợp với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, về lâu dài nếu không áp dụng chế tài sẽ lại nảy sinh tình trạng "nhờn" sang tên đổi chủ, trong khi các phương tiện tham gia giao thông lúc nào cũng đòi hỏi phải được quản lý chặt chẽ.

Hằng - Dương