Lưu ý phản ứng phụ sau tiêm
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:13, 29/07/2013
Tiêm chủng chính là biện pháp tạo cho trẻ khả năng phòng các bệnh nhiễm trùng bằng cách tiêm hoặc uống vắc xin. Mỗi loại vắc xin chỉ có thể phòng được một loại bệnh nên các bà mẹ phải đưa trẻ đi tiêm đủ các loại vắc xin theo đúng lịch tiêm chủng và để tiêm chủng có hiệu lực cần phải tiêm chủng gây miễn dịch cơ bản cho trẻ ngay trong năm đầu (dưới 1 tuổi).
Tùy theo từng loại vắc xin mà trẻ có những phản ứng phụ khác nhau, nhưng phản ứng chủ yếu là chỉ hơi sốt nhẹ. Đối với vắc xin phòng lao, phản ứng thường xảy ra sau tiêm khoảng 2 tuần. Tại chỗ tiêm xuất hiện nốt sưng đỏ rồi tự vỡ nên chỉ cần đặt miếng gạc khô lên trên, vết loét sẽ tự lành. Trường hợp vết loét bị viêm tấy nặng, trẻ sốt, xuất hiện hạch ở nách thì phải đưa đi khám. Với vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván, một số trẻ bị sốt về chiều hoặc tối và sẽ hết sốt trong vòng một ngày. Khi trẻ sốt trên 39 độ, sưng tấy chỗ tiêm có thể cho uống thuốc hạ sốt và nhiều nước hoa quả sẽ giảm sốt, chỗ sưng đỏ sẽ hết trong 3-4 ngày. Nếu trẻ sốt kéo dài trong 2 ngày thì đó không phải là sốt do vắc xin. Chỗ sưng đỏ chưa khỏi thì khả năng trẻ đã bị apxe. Tiêm vắc xin sởi xong, trẻ hay bị sốt, nổi ban, đôi khi có ban giống như sởi. Hiện tượng này cũng sẽ hết trong vòng 3 ngày.
Những phản ứng phụ sau khi tiêm chủng trên nếu khỏi theo đúng khoảng thời gian như đã nói thì các bà mẹ yên tâm, không nên lo lắng, nhưng nếu quá thời gian đó thì nhất thiết phải cho trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Đặc biệt, để bảo đảm an toàn sau khi tiêm, trẻ phải được nằm nghỉ tại nơi tiêm chủng để nhân viên y tế theo dõi, giám sát phản ứng trong vòng 30 phút.