Kẻ cướp và người hảo tâm

Văn hóa - Ngày đăng : 06:17, 28/07/2013

(HNM) - Có hai sự kiện mà người viết ghi nhận được trong thời gian gần đây, tuy độc lập với nhau nhưng cùng dẫn đến nỗi băn khoăn về nhân cách của người cầm bút.

Một là vụ "đạo" thơ ở cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long lần V. Tuy sự kiện đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn làm nóng diễn đàn văn học, có lẽ là bởi tính chất đặc biệt của vụ "sưu tầm" này ở nhiều góc độ, báo động sự suy thoái của một bộ phận con người.

Một người làm thầy mà lại đạo thơ, không chỉ một lần mà nhiều lần. Công nghệ "đạo" vừa thô thiển đến mức ngỡ ngàng (lấy gần như nguyên câu chữ, ý tứ trong bài thơ nổi tiếng "Tổ quốc nhìn từ biển" của Nguyễn Việt Chiến), vừa tinh vi một cách đáng sợ (bằng cách lấy ý, đảo câu, đổi chữ… của nhiều tác giả khác). Điều đặc biệt là sau khi được tác giả tha thứ, người "đạo" lại lớn tiếng, mong lật ngược dư luận. Câu hỏi "gai người" mà giới văn sĩ, bạn đọc đặt ra là: Khi cái giả dối trở thành việc bình thường thì điều tốt đẹp, sự chân thật sẽ đi về đâu?

Câu chuyện thứ hai liên quan đến trang web mở Wikipedia - nguồn tài nguyên mạng khá quen thuộc, một bách khoa toàn thư do chính cộng đồng xây dựng nên với mong muốn giúp đỡ và thu hút mọi người cùng thu thập, phát triển nguồn tư liệu mang tính giáo dục.

Theo một nhà nghiên cứu là thành viên của Nhóm bảo quản Wikipedia trang tiếng Việt, một nguyên tắc của Wikipedia là người viết không ghi danh và họ hầu như không nhận được gì cho cá nhân ngoài việc chia sẻ, lan tỏa được kiến thức và sự hiểu biết của mình cho cộng đồng. Thông tin trên Wikipedia thuyết phục người đọc bằng việc chỉ ra những tư liệu cụ thể có kiểm chứng được, chứ không phải bằng danh nghĩa, uy tín của tác giả.

Vậy là, cùng là người viết (dù là hư cấu hay phi hư cấu) nhưng trước lợi ích của bản thân và xã hội, có người hết lòng cống hiến, kẻ lại nhăm nhăm đạo văn. Có cách gì để chấm dứt sự song hành tồn tại giữa người hảo tâm và kẻ cướp đây?

Người Lái Đò