Định hướng phát triển ngành y tế Hà Nội: Đều cả điểm và diện
Đời sống - Ngày đăng : 06:10, 28/07/2013
Mang mạng lưới y tế tới gần dân
Ngày mới thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, hệ thống tổ chức bộ máy ngành y tế có 87 đơn vị trực thuộc. Đến nay, mạng lưới này đã có thêm 4 đơn vị thành lập mới, gồm Trung tâm Bảo vệ sức khỏe môi trường, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, BV Đa khoa Gia Lâm và Quỹ HIV/AIDS; tiếp nhận thêm 2 trung tâm y tế của các ngành. Với 29 trung tâm y tế, phòng y tế; 14 BV đa khoa huyện, 577 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 4 nhà hộ sinh, 52 phòng khám đa khoa khu vực và mạng lưới y tế thôn bản…, mạng lưới cơ sở y tế của Thủ đô đã ngày một gần dân, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân một cách tốt nhất.
Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long (Hà Nội) được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Ảnh: Hữu Oai |
Mở rộng mạng lưới đồng thời đầu tư trang thiết bị và con người là hướng đầu tư đúng đắn. Trong 5 năm qua, các BV Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức đã được đầu tư nâng cấp, mua sắm thêm nhiều trang thiết bị; BV Phúc Thọ và Gia Lâm được xây mới; 12 BV tuyến huyện còn lại cũng được xây thêm các đơn nguyên 5-9 tầng… BV đa khoa của 14 huyện đều được trang bị nhiều máy móc kỹ thuật cao như máy nội soi tiêu hóa, máy siêu âm 4 chiều, máy phẫu thuật nội soi, máy Xquang chụp mạch số hóa xóa nền, các hệ thống xét nghiệm sinh hóa tự động, chụp cắt lớp vi tính, hệ thống định vị trong phẫu thuật thần kinh và cột sống… Người dân đã không còn phải đi xa hàng chục kilômét để được thụ hưởng thành quả y học hiện đại. Các trạm y tế quận, huyện đã có trụ sở khang trang, đầy đủ phòng chức năng để phục vụ cho việc KCB ban đầu. Với 190 tỷ đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị cho trạm y tế năm 2011, con số này năm 2012 là 70 tỷ đồng, năm 2013 cũng là 70 tỷ đồng, đến nay đã có 313/577 trạm y tế xã đạt 70% danh mục thiết bị theo quy định, số trạm còn lại cũng đạt 60%.
"Cái khó lớn nhất đối với ngành y tế chính là con người. Có đất, có tiền là có thể giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị trong một thời gian ngắn, nhưng đào tạo cán bộ y tế thì cần có thời gian. Trong thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu với thành phố đề ra giải pháp khắc phục khó khăn này, tuy nhiên cũng cần có thêm những chính sách mạnh mẽ hơn", Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền chia sẻ.
Theo thống kê của ngành y tế, tại các BV đa khoa tuyến huyện, số lượng cán bộ y tế tương đối đủ nhưng chất lượng còn hạn chế, số bác sĩ có trình độ sau đại học còn ít, chủ yếu là bác sĩ mới ra trường và lực lượng học chuyên tu ra. 51 phòng khám đa khoa đã có bác sĩ về công tác, nơi nhiều từ 3 đến 5 người, song cũng có phòng khám chỉ có 1 bác sĩ. Số trạm y tế xã, phường có bác sĩ làm việc thường xuyên mới chỉ đạt 88,38%.
Để khắc phục khó khăn không chỉ của riêng Hà Nội này, thành phố đã cử cán bộ y tế từ các BV lớn luân phiên về tăng cường cho tuyến cơ sở, thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ cho tuyến dưới. "Trong tương lai, ngành y tế sẽ đề xuất với thành phố, Bộ Y tế và các cơ sở đào tạo ngành y để mở lớp đào tạo riêng cho Hà Nội, nhằm giải quyết vấn đề thiếu bác sĩ", ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết.
Tại cơ sở và chủ động từ đầu
Các BV đa khoa tuyến huyện đã đáp ứng được nhu cầu KCB thông thường của nhân dân trên địa bàn, thực hiện được kỹ thuật đúng tuyến, nhiều nơi thực hiện được kỹ thuật vượt tuyến như mổ nội soi… Số lượt KCB tại các BV tuyến huyện ngày càng tăng, công suất sử dụng giường bệnh của các cơ sở này đều đạt trên 100%. Số bệnh nhân điều trị nội trú hằng năm đều tăng, giảm số bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên. Thực hiện việc luân chuyển cán bộ y tế từ tuyến thành phố về tuyến cơ sở, nên nhiều kỹ thuật của tuyến thành phố đã triển khai được ngay tại tuyến huyện. Các phòng khám đa khoa khu vực cũng đã thu hút được nhiều bệnh nhân đến KCB, nhiều phòng khám thực hiện được kỹ thuật vượt tuyến. Trạm y tế tổ chức KCB thường xuyên, triển khai khám bảo hiểm y tế, phân công cán bộ y tế trực để kịp thời khám, cấp cứu ban đầu cho nhân dân trên địa bàn. Đây là điều đáng chú ý bởi trước năm 2008, trạm y tế xã chưa thực hiện việc KCB theo bảo hiểm y tế, chỉ thực hiện KCB ban đầu và khám, cấp thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi. Số người đăng ký KCB ban đầu theo bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở đã đạt 52,4%, trong đó đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế chiếm khoảng 17,24%. Những con số nói trên cho thấy sự tin tưởng của người dân đối với tuyến y tế cơ sở và đó là cơ sở cho sự phát triển công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách bền vững.
Chú trọng đại trà song thành phố không bỏ quên mũi nhọn. Nhiều kỹ thuật cao của các lĩnh vực đã được triển khai, như trong lĩnh vực ngoại khoa và phẫu thuật tạo hình đã thực hiện được các kỹ thuật cao về phẫu thuật thần kinh sọ não, chấn thương chỉnh hình, mở rộng phẫu thuật nội soi; trong lĩnh vực ung bướu đã áp dụng chẩn đoán bằng máy xạ hình, điều trị bằng máy gia tốc tuyến tính; trong lĩnh vực tim mạch, hiện đã có thể mổ tim cho trẻ nhẹ cân; trong sản nhi đã tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, áp dụng kỹ thuật di truyền và sinh học phân tử…
Với Hà Nội, công tác phòng chống dịch bệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực tế cho thấy trong 5 năm qua, thành phố đã cố gắng hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng của các quận, huyện, thị xã. Chính nhờ dự phòng từ sớm, ngay tại cộng đồng nên Hà Nội luôn khống chế thành công dịch bệnh nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn.
Dẫu còn nhiều mục tiêu phải phấn đấu nhưng 5 năm qua, ngành y tế Thủ đô đã có những bước tiến vượt bậc đáp ứng yêu cầu phát triển của Hà Nội sau thời khắc lịch sử quan trọng. "Chúng tôi có điều kiện và có quyết tâm để chăm lo sức khỏe cho người dân một cách chu đáo hơn, chất lượng hơn", Giám đốc Nguyễn Khắc Hiền khẳng định.
Ý kiến nhân dân Ông Ngô Văn Hùng (xã Cao Dương, Thanh Oai): Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một khang trang Từ khi mở rộng địa giới hành chính, cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn luôn được các cấp chính quyền từ thành phố tới cơ sở quan tâm. Thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực này, đem lại một diện mạo mới cho nông thôn. Đường làng ngõ xóm được đầu tư khang trang, sạch đẹp, trạm y tế ở các xã được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám chữa bệnh cho bà con; các cháu được học trong những ngôi trường mới, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, mở ra một tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau… Tôi hy vọng thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa để từng bước xóa bỏ khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Bà Nguyễn Thị Kỳ (xã Mê Linh, huyện Mê Linh): Nhiều mô hình nông nghiệp mới Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, sản xuất nông nghiệp của người dân được quan tâm hơn trước rất nhiều. Việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, hình thành các mô hình sản xuất mới nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng ở các huyện ngoại thành, mở ra một hướng làm ăn mới cho nông dân. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con như trồng hoa ly thu hàng tỷ đồng/ha; mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi cũng cho giá trị từ 200 đến 300 triệu đồng/ha; nuôi gà an toàn sinh học, lúa hàng hóa chất lượng cao… Ngoài ra, người nông dân còn được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giải phóng sức lao động, làm nông nghiệp giờ nhàn hơn trước rất nhiều… Bà Đinh Thị Hòa (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì): Đời sống của giáo viên miền núi cần được quan tâm Tròn 5 năm về với Thủ đô Hà Nội, các xã thuộc huyện miền núi Ba Vì và cũng là nơi xa nhất, nghèo nhất của tỉnh Hà Tây (cũ) có nhiều thay đổi quan trọng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cũng như các trạm y tế được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, từng bước hiện đại và các trục đường giao thông liên thôn, liên xã… đang được bê tông hóa. Tuy nhiên, đời sống của giáo viên ở đây vẫn còn rất khó khăn. Hy vọng thời gian tới, thành phố sẽ quan tâm hơn nữa đến đời sống của đội ngũ giáo viên, những người đang làm nhiệm vụ “gieo con chữ” cho đồng bào thuộc vùng sâu, vùng xa, miền núi. Nhóm PV Nông nghiệp - Nông thôn |