Phó Tổng thống Mỹ thăm Ấn Độ và Singapore: Tái cân bằng vị thế tại Châu Á

Thế giới - Ngày đăng : 05:46, 28/07/2013

(HNM) - Phó Tổng thống Joe Biden vừa hoàn thành chuyến công cán mang đầy trọng trách tới hai quốc gia nằm trong khu vực địa kinh tế chiến lược này.

Với một chương trình nghị sự dày đặc, việc dành trọn cả một tuần để thực hiện chuyến thăm Ấn Độ và Singapore một lần nữa minh chứng rằng, Châu Á - Thái Bình Dương không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt mà còn là trọng tâm ưu tiên trong chiến lược ngoại giao của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong nhiệm kỳ hai.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trước khi hội đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.


Tiếp nối những kết quả đạt được sau chuyến công du đầu tiên tới Ấn Độ của Ngoại trưởng John Kerry với điểm nhấn là cuộc đối thoại thường niên Mỹ - Ấn lần thứ tư, sự hiện diện của Phó Tổng thống Joe Biden tại thủ đô New Delhi trong chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Dù không phải đồng minh truyền thống nhưng chuyến thăm của một Phó Tổng thống Mỹ sau 29 năm - từ lần thăm Ấn Độ của Phó Tổng thống George H.W.Bush vào năm 1984 - đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa hai nước trên một loạt lĩnh vực. Trong đó, việc thúc đẩy quan hệ thương mại cũng như giảm những "nút thắt" đang trở thành rào cản với các công ty Mỹ đầu tư vào thị trường Ấn Độ là một trong những nội dung ưu tiên trên bàn nghị sự của Phó Tổng thống J.Biden và Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh. Cùng với đó, một loạt những trở ngại trong triển khai thực hiện Hiệp định hạt nhân dân sự mà hai nước thông qua năm 2008 cũng là chủ đề nóng được hai bên quan tâm. Trong đó có việc Ấn Độ quy định các công ty hạt nhân nước ngoài hoạt động tại nước này phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố nguyên tử, một điều kiện nghiêm ngặt khiến các công ty nước ngoài không thể thành lập được nhà máy hạt nhân tại Ấn Độ.

Cho rằng Ấn Độ là đối tác trong tiến trình tái thiết tại Afghanistan khi New Delhi dành các khoản viện trợ lên tới 2 tỷ USD, nhà lãnh đạo xứ Cờ hoa đã thẳng thắn đề cập mong muốn của Washington là New Delhi cần đóng vai trò tích cực hơn trong đào tạo các lực lượng an ninh cho Afghanistan trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh khác trong NATO sẽ rút lực lượng chiến đấu khỏi nước này vào năm 2014. Với vị trí địa chiến lược trong quan hệ với 4 quốc gia mà Mỹ đang quan tâm gồm Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan và Myanmar, các nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới rõ ràng không thể bỏ qua một thành viên trong nhóm các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ. Không những thế, Ấn Độ còn là một quốc gia hùng mạnh ở khu vực Nam Á với lực lượng lục quân, không quân và hải quân lần lượt lớn thứ ba, thứ tư và thứ năm thế giới. Đó cũng là lý do vì sao Tổng thống Barack Obama lại gọi mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ là "quan hệ đối tác định hình cho thế kỷ". Với kim ngạch thương mại song phương tăng từ 9 tỷ USD năm 1995 lên 100 tỷ USD trong năm nay, các chuyên gia phân tích dự báo cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Manmohan Singh và Tổng thống Barack Obama tại Washington dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới sẽ tiếp tục mở ra bước ngoặt mới trong quan hệ hai nước.

Là điểm dừng chân thứ hai, nghị trình tại Singapore của Phó Tổng thống J.Biden cũng đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng. Với vị thế và vai trò đặc biệt trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), việc Mỹ đẩy mạnh hợp tác với Singapore cũng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho Washington trong chiến lược tái khẳng định vị thế tại khu vực. Cùng với quyết tâm thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực, cuộc hội đàm giữa Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long và Phó Tổng thống J.Biden được giới phân tích đánh giá như tiếp thêm "lửa" cho nỗ lực đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc hướng tới thành lập một khu vực tự do thương mại chiếm tới 40% GDP của toàn thế giới, trong đó cả Mỹ và Singapore đều là những thành viên tích cực nằm trong lợi ích của hai nước.

Tuy ở mỗi nước có một chương trình nghị sự khác nhau, nhưng việc Phó Tổng thống J.Biden chọn Ấn Độ và Singapore làm điểm đến trong chuyến công du này một lần nữa cho thấy rõ ràng chiến lược ngoại giao của Mỹ. Trong đó, thông điệp mạnh mẽ nhất của Washington là tiếp tục quyết tâm đẩy mạnh kế hoạch tái cân bằng chính sách đối ngoại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mà Ấn Độ và Singapore là hai mắt xích quan trọng.

Đình Hiệp