Vì sao hàng chục hộ dân xã Việt Long bị mất sổ đỏ?

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:41, 28/07/2013

(HNM) - Thời gian vừa qua, cuộc sống yên bình của những người dân quê xã Việt Long, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) ít nhiều bị xáo trộn khi có thông tin hàng loạt hộ dân bị mất giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Vay 10 triệu đồng, thế chấp cả sổ đỏ, hộ khẩu, chứng minh thư...

Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Nguyễn Văn Đáng, thôn Tiên Tảo, xã Việt Long. Anh Đáng cho biết, gia đình có một mảnh đất thổ cư rộng 209m2 đã được cấp sổ đỏ từ năm 1996. Giai đoạn trước năm 2006, gia đình anh luôn được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất. Đến năm 2007, do không tiếp cận được nguồn vốn vay này nên anh Đáng đã nhờ bà Nguyễn Thị Hậu - nguyên là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Việt Long vay hộ 10 triệu đồng. Bà Hậu đã yêu cầu anh Đáng đưa sổ đỏ, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và hẹn 10 ngày sau sẽ lấy được tiền. Thế nhưng rất lâu sau đó, gia đình anh Đáng vẫn không nhận được tiền, liên tục hỏi thì bà Hậu nói vẫn chưa vay được. Cũng theo lời anh Đáng, nhiều lần anh và một số người trong làng có nhu cầu vay tiền, được bà Hậu "giúp đỡ" đã tìm đến nhà một người tên là Lý ở Vân Nội, Đông Anh để lấy tiền nhưng không được vì các lý do "người ta đi vắng, cô ấy nghỉ đẻ…". Đi lại mất quá nhiều thời gian, anh Đáng nản lòng, đòi lại giấy tờ không vay tiền nữa nhưng bà Hậu nói đã giao cả cho bà Lý, giờ cũng không lấy lại được. Cực chẳng đã, anh làm đơn trình báo công an xã, nhưng từ đó đến nay mọi giao dịch về hành chính của gia đình gặp rất nhiều phiền toái vì không còn bất cứ giấy tờ gì. Trò chuyện với phóng viên, anh Đáng khẳng định "nhà tôi vẫn là nhà của tôi" vì anh không ký bất kỳ văn bản chuyển nhượng nhà đất nào.

Ngôi nhà hiện đã thất lạc sổ đỏ của gia đình anh Đáng.


Không may mắn như anh Đáng, gia đình bà Lã Thị Oanh, ông Nguyễn Đức Sùng ở thôn Tiên Tảo đang có nguy cơ "ra đê mà ở" vì giấy tờ nhà và mảnh đất thổ cư diện tích 192m2 hiện đã mang tên người khác. Liên tục trong các năm 2012, 2013, có một số người lạ mặt đã đến đòi gia đình bà trả nhà cho họ vì việc mua bán đã hoàn tất. Họ đã thanh toán đầy đủ, hoàn thiện thủ tục sang tên mảnh đất. Tá hỏa, gia đình bà đã làm đơn gửi Phòng Tài nguyên - Môi trường (TNMT) huyện Sóc Sơn đề nghị dừng giao dịch sang tên đối với thửa đất gia đình đang quản lý, đồng thời trình báo vụ việc với chính quyền địa phương.

Bà Oanh cho biết, bà Nguyễn Thị Hậu là con cháu trong họ. Năm 2008, bà Hậu đến "nói khó" với vợ chồng bà cho mượn sổ đỏ để vay tiền trả nợ ngân hàng, ông bà thương tình nên đồng ý. Sau đó bà Hậu đã đưa ông bà đến phòng công chứng ký giấy tờ gì đó, vì tin tưởng cháu, vả lại mắt kém, ông bà cũng không đọc xem giấy viết gì, cháu bảo ký vào đâu là ký ngay vào đó. Việc này đơn giản chỉ là cho bà Hậu "mượn" sổ đỏ để vay tiền ngân hàng, ông bà cũng không nhận một đồng tiền nào. Bẵng đi một thời gian, đột nhiên có người đến đòi nhà, gia đình bà mới tá hỏa. Sau khi viết đơn đề nghị dừng giao dịch sang tên mảnh đất của gia đình gửi Phòng TNMT huyện Sóc Sơn, ngày 22-4-2013 gia đình bà Oanh nhận được công văn số 116/TNMT của Phòng TNMT huyện trả lời: Sau khi gia đình bà ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Hội ở Đông Anh, mảnh đất đã có thêm hai lần được "đổi chủ" và hiện tại thửa đất của gia đình bà đang ở đã mang tên ông Nguyễn Công Dung, địa chỉ tại 35 phố Nguyễn Du, phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Không chỉ có bà Oanh, anh Đáng, thời điểm chúng tôi đến tìm hiểu vụ việc tại thôn Tiên Tảo còn có một số hộ dân khác cũng bức xúc, tìm đến phóng viên để phản ánh việc tương tự. Vì thiếu vốn làm ăn, lại tin tưởng bà Nguyễn Thị Hậu thời điểm đó là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Việt Long, nhiều hộ dân khác đã đưa sổ đỏ, thậm chí ký giấy tờ chuyển nhượng nhà đất chỉ để "nhờ chị Hậu vay hộ vài chục triệu đồng". Nay thì nhiều người lâm vào cảnh "sống dở, chết dở" khi nhà thì bị người lạ đến đòi, người thì còng lưng trả lãi cao, người thì không vay được đồng nào mà cũng không biết sổ đỏ nhà mình hiện lưu lạc ở đâu, sống trong nhà mà như ngồi trên đống lửa… Trong số đó, nhiều gia đình là anh em, họ hàng của bà Nguyễn Thị Hậu, thậm chí là anh em ruột còn rủ nhau nhờ bà Hậu vay tiền như trường hợp anh em Nguyễn Trọng Quỳ, Nguyễn Xuân Hùng cũng thường trú tại thôn Tiên Tảo, xã Việt Long.

Chính quyền địa phương nói gì?

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Sỏi và ông Nguyễn Văn Được - hai Phó trưởng Công an xã Việt Long, huyện Sóc Sơn cho biết, liên quan đến việc vay vốn thế chấp bằng sổ đỏ thời gian qua, có 23 hộ dân ở xã Việt Long đã đưa sổ đỏ cho bà Nguyễn Thị Hậu để nhờ vay tiền, 5 hộ khác đã ký giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng với mục đích trên. Sau khi một số hộ dân trình báo, bà Hậu đã hợp tác cùng lực lượng công an tiến hành xác minh, thu hồi được 4 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, trả lại cho các hộ dân, còn 19 trường hợp khác vẫn thất lạc, chưa xác định được. Thời gian qua, việc một số đối tượng lạ mặt về đây đòi nhà là có thật, tuy nhiên khi công an xã đến thì họ bỏ đi.

Về nhân thân bà Nguyễn Thị Hậu, ông Sỏi cho biết: "Năm 2007, bà Hậu là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Việt Long, trước đó là Chủ tịch Chi hội Phụ nữ thôn Tiên Tảo. Trong công việc, bà Hậu là người tháo vát, năng nổ, nhiệt tình nên được chị em hội viên, bà con nhân dân cũng như cán bộ chính quyền địa phương rất tin tưởng. Thời điểm này, Ngân hàng Chính sách xã hội thu hồi vốn cho vay, một số hội viên nợ đọng không trả được đã đến nhờ bà Hậu vay lãi bên ngoài để trả nợ ngân hàng, có thế chấp sổ đỏ hoặc sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc này là hoàn toàn tự nguyện theo thỏa thuận của các bên, chính quyền xã chỉ xác nhận người dân có hộ khẩu thường trú tại xã. Năm 2010, liên quan đến một vụ cưỡng đoạt tài sản, bà Hậu bị bắt tạm giam 8 tháng, sau đó tòa xử án treo. Về việc vay vốn thế chấp bằng sổ đỏ của nhiều hộ dân, bà Hậu đã làm đơn trình báo đến cơ quan chức năng, khẳng định mình cũng là nạn nhân do hiểu biết pháp luật hạn chế và cũng muốn giúp bà con có vốn làm ăn nên đã bị một số đối tượng lừa đảo lợi dụng nhằm chiếm đoạt sổ đỏ và nhà đất của bà con".

Được sự giới thiệu của Công an xã Việt Long, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hậu. Trước thông tin người dân đưa ra, bà Hậu tỏ ra bức xúc. Bà cho rằng, thời điểm năm 2007, Ngân hàng Chính sách xã hội thu hồi vốn, người dân không có tiền trả nên có nhu cầu vay lãi ngoài. Được bà con tin tưởng, bà đã tìm mối vay giúp bà con. Điển hình như trường hợp nhà bà Oanh, ông Sùng, không phải tự nhiên ông bà cho mượn sổ đỏ, trước đó số tiền nợ của gia đình này đã lên đến nhiều chục triệu đồng, trong đó có những khoản vay lãi cao. Vì vậy ông bà đã đồng ý đi cùng bà Hậu cầm sổ đỏ đến phòng công chứng ký giấy chuyển quyền sử dụng đất để vay tiền. Bà Hậu có một "bảo bối" là cuốn sổ ghi nợ của nhiều gia đình ở xã Việt Long, bà đã cung cấp giấy vay tiền, số nợ của một số hộ gia đình chúng tôi quan tâm, trong đó có trường hợp bà Oanh, ông Sùng, chị Hương (vợ anh Đáng).

Để chứng minh mình cũng là nạn nhân của vụ việc này, bà Hậu đã cung cấp cho chúng tôi bản sao một giấy viết tay "Giấy chứng nhận bìa đất ở, bìa hộ khẩu, CMND và cam kết vay vốn ngân hàng", ký ngày 21-5-2007. Trong đó, bà Hậu đã giao cho bà Nguyễn Thị Lý ở Vân Nội, Đông Anh 23 quyển sổ hộ khẩu, sổ đỏ có tên kèm theo, để nhờ vay vốn làm ăn. Tiếp theo các ngày 23-4 và 3-5, bà Lý nhận thêm 5 sổ đỏ nữa. Một số sổ trong số này sau đó đã được trả lại còn phần lớn đã thất lạc cho dù có hộ vay được tiền, có hộ không vay được. Năm 2012, bà Hậu cũng đã có đơn gửi Công an huyện Sóc Sơn, trình báo về việc đã hoàn thiện ba hợp đồng chuyển nhượng nhà đất của ba hộ dân ở Việt Long cho bà Nguyễn Thị Vân - ở Phù Linh, Sóc Sơn nhưng sau đó không nhận được tiền vay. Sau thời gian bị tạm giam về, cả ba diện tích nhà đất này đã sang tên bà Vân mà bà Hậu và ba chủ cũ đều không hay biết, cũng như không nhận được bất kỳ khoản tiền nào.

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc hàng chục hộ dân bị mất sổ đỏ tại xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, dựa trên những tài liệu thu thập được, chúng tôi phát hiện ra một sự thật khác đằng sau những cuốn sổ đỏ bị thất lạc. Việc người dân thiếu vốn, phải dùng sổ đỏ để cầm cố vay tiền với lãi suất cao, bị thất lạc sổ đỏ, có nguy cơ mất nhà... không chỉ xảy ra ở Việt Long mà còn xuất hiện tại nhiều xã khác trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Vấn đề này, chúng tôi sẽ thông tin trong số báo tiếp theo.

(Còn tiếp)

Nhóm PV Phóng sự điều tra