Tái cơ cấu DN nhà nước: Cần thực hiện đúng lộ trình

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:37, 27/07/2013

(HNM) - 66 tập đoàn, tổng công ty đã xây dựng đề án tái cơ cấu trình cấp có thẩm quyền xem xét, trong đó có 44 đề án đã được phê duyệt.

Mặc dù những khó khăn của nền kinh tế đang tác động tiêu cực, làm chậm tiến trình cổ phần hóa (CPH) DNNN, song các biện pháp tháo gỡ khó khăn được Bộ Tài chính đề xuất thực hiện đang góp phần TCC DNNN theo đúng lộ trình.

Áp lực dự phòng rủi ro và thoái vốn

Tính đến ngày 30-6-2013, cả nước có 6.852 DNNN. Trong đó có 42 TĐ, TCT đang đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư, ngân hàng với giá trị khoảng 22.405 tỷ đồng (đến thời điểm ngày 30-9-2012). Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tháng 9-2013 là thời điểm cuối cùng để các DNNN hoàn thiện, trình Chính phủ đề án TCC. Song, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán ảm đạm, việc TCC đang đứng trước thách thức lớn nhằm bảo toàn nguồn vốn nhà nước tại DN và thực hiện TCC theo đúng lộ trình.

Dệt may Việt Nam là một trong những ngành sẽ thực hiện tái cơ cấu trong năm nay. Ảnh: Yến Ngọc



Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính vừa diễn ra tại Hà Nội, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, việc bán DNNN liệu có được tính đến? Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh khẳng định, trong ngành tài chính không dùng từ "bán" DNNN, mà với những DN làm ăn không hiệu quả sẽ CPH. Cần tách bạch rõ hai vấn đề, bởi việc TCC DNNN phải thực hiện theo đúng lộ trình, không thể vì khó khăn mà "bán" DN.

Phân tích về những khó khăn khi thực hiện TCC DNNN, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, trên thực tế Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể về thoái vốn, trong đó có giải pháp quan trọng là trích lập quỹ dự phòng rủi ro khi đầu tư. Khi DN nghiêm túc thực hiện trích lập dự phòng, khi thoái vốn nếu thấp hơn thì đưa vào chi phí, giảm rủi ro trong quá trình thoái vốn của DN. Song, nếu DN trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận sẽ giảm xuống. Khi đó nhà điều hành là Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc phải giải trình với chủ sở hữu (Nhà nước) vì sao lợi nhuận giảm. Theo quy định, nếu điều hành không hiệu quả thì lãnh đạo DNNN sau hai năm phải rút lui khỏi vị trí. Đây là áp lực khiến nhiều DN không thực hiện nghiêm việc trích lập dự phòng và hệ quả tất yếu là khó khăn khi thoái vốn. Bộ Tài chính sẽ rà soát để các DN xử lý nhanh nhất quá trình thoái vốn theo nguyên tắc hiệu quả và phải theo kế hoạch, lộ trình. Mục tiêu đặt ra là nhằm tạo điều kiện tối đa cho các TĐ, TCT thoái vốn đầu tư ngoài ngành và không để cả DN lẫn nhà đầu tư mất cơ hội. Song, nếu bán DN cho bất cứ nhà đầu tư nào trả giá cao nhất để tối đa hóa lợi nhuận trước mắt, kể cả bán cho quỹ đầu tư mạo hiểm thì không khác gì chuyển DN cho nhà đầu cơ. Bởi sau một thời gian, khi được giá họ lại bán cho nhà đầu tư khác thì không bảo đảm cho sự phát triển của DN.

Theo Nghị định số 71/2013/NĐ-CP (ngày 11-7-2013) của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, kể từ ngày 1-9-2013, DNNN không được đầu tư vào chứng khoán, bất động sản… không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định.

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ

Trước những vướng mắc của DN khi thực hiện TCC, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn từ khâu chính sách nhằm thúc đẩy quá trình này. Cục Tài chính DN đang nghiên cứu, đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 59/2011/CP về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Đại diện Cục Tài chính DN cho biết, khi triển khai Nghị định 59, Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành các thông tư hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện CPH, bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH của các DNNN chuyển đổi thành công ty cổ phần. Song, tiến trình CPH vẫn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc xuất phát từ quy định của Nghị định 59, cần sớm sửa đổi, bổ sung.

Mặt khác, Bộ Tài chính còn kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cơ chế quản lý đất đai đối với các DNNN CPH theo hướng quy định về nguyên tắc, tất cả diện tích đất DN CPH đang quản lý phải chuyển sang thực hiện ký hợp đồng thuê đất có thời hạn với cơ quan có thẩm quyền, trừ những trường hợp đặc biệt. Quy định này nhằm khắc phục bất cập trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất trong thời gian qua để đẩy nhanh tiến trình CPH…

Theo kế hoạch, các TĐ: Dệt may Việt Nam, Mía đường I, Mía đường II, Cơ điện - Xây dựng nông nghiệp và Thủy lợi, Chăn nuôi Việt Nam… sẽ thực hiện TCC trong năm nay. Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính liên quan đến sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới DNNN; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các TĐ, TCT nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển các DN, tổ chức kinh tế ngoài nhà nước.

Hương Ly