Tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:34, 27/07/2013
CPI tăng thấp trong những tháng qua đã ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng. Ảnh: Như Ý |
CPI tháng 7 trên địa bàn Hà Nội tăng 0,22% so với tháng trước. Tất cả các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước, trong đó có 2 nhóm hàng tăng cao, làm ảnh hưởng đến chỉ số giá chung là nhóm giao thông (nhóm duy nhất tăng tới 1,15%) do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng vừa qua và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,66%. Các nhóm hàng còn lại tăng nhẹ.
Quản lý, khống chế CPI theo mục đích của cơ quan quản lý, với chỉ tiêu cụ thể là một việc khó, luôn chịu ảnh hưởng của yếu tố chủ quan và khách quan. Đặc biệt, một khi CPI tăng hoặc giảm, nhất là tăng cao hay giảm "sâu" đều là vấn đề lớn, chịu tác động từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, có thể thấy rõ là nhóm hàng nhiên liệu và ga luôn là nguyên nhân tiềm ẩn và tác động mạnh, trực tiếp nhất đến chỉ số CPI của mỗi tháng. Tuy nhiên, đây là một thực tế ngoài mong muốn và hầu như không thể can thiệp theo ý thức chủ quan của cơ quan quản lý, bởi hai nhóm hàng này chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Các chuyên gia nhận định, về lâu dài để phòng chống CPI tăng cao ngoài ý muốn chỉ còn cách tăng tốc độ xây dựng, đưa vào vận hành một số dự án lọc, hóa dầu quy mô lớn để tiến tới tự chủ hơn 50% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Ngược lại, nếu CPI tăng quá thấp, thậm chí giảm cũng là một yếu tố bất lợi đối với mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế cũng như đời sống của nhiều nhóm dân cư và cộng đồng DN. Cụ thể, CPI giảm sẽ làm các DN bị giảm sút lợi nhuận, không đủ thu nhập để bù đắp các khoản đầu tư ban đầu cũng như chi phí hoạt động và nhân công. Sản xuất, kinh doanh không có lãi, các giao dịch kinh tế sẽ trầm lắng, mất tính thanh khoản và đẩy nền kinh tế vào thế bị động. Đặc biệt là các DN sẽ bị mất cơ hội kinh doanh. Như vậy, về lý thuyết CPI phải tăng ở mức độ hợp lý để trở thành động lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như thể hiện một phần tác động tích cực từ việc tăng lương.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận xét, việc CPI tăng thấp trong những tháng qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hầu hết siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Do CPI tăng thấp khiến nhiều đơn vị phải chật vật đối phó với tình trạng buộc phải giữ giá bán trong khi lượng hàng bán ra lại không tăng đáng kể. Từ đó, các đơn vị đều phải tiết giảm chi tiêu, càng không dám nghĩ đến đầu tư mở rộng quy mô. Ông Phú nhấn mạnh, thực tế là tổng cầu của toàn xã hội còn rất yếu, chưa thể hồi phục sớm và vẫn sẽ là nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường trầm lắng. Vì vậy, các ngành chức năng cần có biện pháp kích cầu một cách hợp lý bên cạnh những phương án hỗ trợ DN thiết thực hơn, như giảm thuế VAT; lựa chọn mặt hàng và lộ trình tăng giá hợp lý, tránh giật cục; kiểm soát thị trường để chống hàng giả, hàng lậu. Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả công tác điều hành để có quyết định đúng, thỏa mãn yêu cầu lâu dài và tác động trúng đối tượng chứ không chỉ là đối phó tình huống...
Chính phủ đang chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai một số giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường, bảo đảm đời sống dân sinh nhằm khống chế lạm phát. Các ngành chức năng cũng đưa ra dự đoán, với tình hình nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất chưa được hồi phục một cách rõ nét hay bứt phá như mong muốn thì việc CPI tiếp tục tăng qua các tháng, nhưng ở mức thấp là phù hợp với thực tiễn.