Thủ tướng Nhật Bản công du Đông Nam Á: Khẳng định trọng tâm chiến lược
Thế giới - Ngày đăng : 06:50, 27/07/2013
Đây là chuyến thăm thứ ba của ông S.Abe tới khu vực này kể từ khi trở lại cương vị Thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai cách đây 7 tháng. Điều này khẳng định rõ chiến lược ngoại giao của xứ sở Mặt trời mọc đối với khu vực này trong "kỷ nguyên Abe".
Thủ tướng Nhật Bản S.Abe (phải) và người đồng nhiệm Malaysia Najib Razak. |
Với mục tiêu tăng cường sự ảnh hưởng trong không gian ASEAN, lịch trình chuyến thăm của ông S.Abe dày đặc các nội dung hợp tác. Ngay sau khi tới thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, Thủ tướng S.Abe đã có cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Najib Razak. Thỏa thuận cung cấp cho đối tác công nghệ cần thiết để xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc trị giá nhiều triệu USD và một số cơ sở hạ tầng khác là điểm nhấn ấn tượng trong triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước. Ngoài ra, không thể không đề cập tới một loạt cam kết hợp tác quan trọng khác như cung cấp tài chính và an ninh ở eo biển Malacca, tuyến đường thủy đi ngang qua Malaysia, Indonesia và Singapore - nơi cướp biển thường hoành hành. Với Singapore và Philippines, Tokyo cũng đã chuẩn bị sẵn những kế hoạch hợp tác quy mô nhằm thắt chặt mối quan hệ ngày càng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.
Trên thực tế, khi trỗi dậy từ đống tro tàn của Thế chiến thứ hai và chuẩn bị tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế, Nhật Bản đã chú trọng tới việc phát triển quan hệ với các quốc gia ASEAN. Đây không chỉ là nơi cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên, thị trường với nguồn nhân công rẻ cho nền kinh tế Nhật Bản mà còn là địa điểm hấp dẫn mạnh nguồn đầu tư và buôn bán. Đặc biệt, Đông Nam Á án ngữ tuyến giao thông huyết mạch của Nhật Bản sang Trung Cận Đông, Vùng Vịnh, Địa Trung Hải, Tây Âu và xuống Nam Thái Bình Dương. Theo tính toán của giới nghiên cứu Nhật Bản, hiện nay 94% dầu lửa nhập khẩu của nước này được vận chuyển qua Đông Nam Á. 10% dầu thô và 80% khí đốt thiên nhiên dùng vào sản xuất điện của Nhật Bản cũng được nhập khẩu từ khu vực này...
Tuy nhiên, những năm gần đây, khi nhiều cường quốc lớn chuyển trọng tâm chiến lược sang Châu Á - Thái Bình Dương, sức ảnh hưởng của Nhật Bản tại Đông Nam Á dường như bị chững lại. Chính vì vậy, những chuyến đi liên tiếp tới khu vực này của Thủ tướng S.Abe trong vòng chỉ 7 tháng qua cho thấy ý định xem xét, coi việc thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với khu vực này là ưu tiên của Tokyo trong thời gian tới. Bên cạnh đó, mục tiêu của ASEAN là đang hướng tới hình thành cộng đồng kinh tế có tiềm năng phát triển lớn. Do đó, việc tăng cường quan hệ với các nước thành viên trong hiệp hội sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng thị trường, tranh thủ được sự năng động của Đông Nam Á để khôi phục nền kinh tế Nhật Bản, vốn đang gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng. Không những vậy, trong vòng hai năm trở lại đây, nhất là khi căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan tới chủ quyền quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư bùng phát, nhiều doanh nghiệp xứ Hoa anh đào đã tìm cách chuyển hướng đầu tư vào Đông Nam Á.
Theo Hãng thống kê Dealogic, các công ty Nhật Bản đã bỏ ra ít nhất 8,2 tỷ USD cho các thương vụ sáp nhập và mua lại trong năm 2013, một kỷ lục mới tính trong một năm, cho dù hiện nay mới là tháng 7. Những vụ mua lại 75% phần hùn của Ngân hàng Thái Lan Ayudhya với 5,6 tỷ USD của Ngân hàng Mitsubishi UFJ hay ý định mua 40% của Ngân hàng Indonesia PT Tabungan Pensiunan Nasional với giá 1,5 tỷ USD của Ngân hàng Sumitomo Mitsui đã khẳng định sự hiện diện ngày càng sâu rộng của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Đông Nam Á. Ngoài việc sáp nhập hay mua lại, các công ty Nhật Bản cũng đang đầu tư vào sản xuất. Ngay trong tuần này, Toyota - tập đoàn chế tạo ô tô lớn nhất thế giới, đã loan báo việc dành khoảng 230 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất động cơ thứ hai ở Indonesia. Nhiều nhà phân tích cho rằng, xu hướng này sẽ được duy trì trong thời gian tới. Thông qua mối quan hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ đó, chính phủ của Thủ tướng S.Abe muốn tiếp tục bồi đắp sự liên kết với Đông Nam Á như một trọng tâm chiến lược trong giai đoạn phát triển mới.