Ngăn chặn từ ”gốc bệnh”

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:25, 27/07/2013

(HNM) - Liên quan đến việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số nhà 46E, ngõ 256 Đê La Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Thổ Quan và 3 cán bộ khác đã tạm bị đình chỉ công tác.

Chỉ đạo giải quyết vụ việc này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã giao Giám đốc Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc UBND quận Đống Đa xử lý dứt điểm vụ vi phạm trật tự xây dựng trên (xong trước ngày 10-8-2013), đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND quận Đống Đa kiên quyết xử lý hành vi vi phạm của chủ đầu tư; kiểm điểm làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý để xảy ra vụ việc gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Việc làm nêu trên một lần nữa khẳng định quyết tâm của lãnh đạo TP Hà Nội trong chấn chỉnh kỷ cương đô thị, trật tự xây dựng. Không phải đến thời điểm này, thành phố mới "ra tay" với những vi phạm. Trong những năm qua, nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép đã bị phá dỡ, bị "cắt ngọn", không ít cán bộ quản lý trật tự xây dựng, quản lý đô thị có sai phạm đã bị xử lý kỷ luật… Thế nhưng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng chỉ lắng xuống trong một thời gian rồi lại bùng phát. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2013 đã phát hiện và xử lý 13 trường hợp vi phạm về các hoạt động xây dựng với tổng số tiền phạt là 272 triệu đồng. Về trật tự xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra 45 trường hợp, ban hành 45 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 567 triệu đồng.

Vì sao mà thành phố nhiều lần đã tổ chức ra quân chấn chỉnh trật tự kỷ cương đô thị nhưng tình trạng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng vẫn tiếp tục tái diễn, gây bức xúc dư luận? Có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết là ý thức chấp hành pháp luật của người dân, có thể nói tình trạng cố tình xây dựng không phép, sai phép vẫn diễn ra khá phổ biến. Thêm vào đó là tình trạng thiếu quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị để quản lý cấp phép xây dựng… Có người cho rằng tổ chức Thanh tra Xây dựng của Hà Nội dù đến cấp phường, xã nhưng lực lượng này vẫn mỏng và yếu... Còn theo lãnh đạo Sở Xây dựng thì lực lượng không chỉ yếu về nghiệp vụ, bản lĩnh mà còn nể nang, ngại va chạm. Hầu hết trường hợp vi phạm nghiêm trọng bị lập biên bản nhiều lần nhưng đều để cho "tròn" hồ sơ mà không bị xử lý rốt ráo, nên khi bị phát hiện thì mức độ sai phạm đã nghiêm trọng…

Thực tế, một công trình xây dựng dù có ở trong ngõ, ngách cũng khó có thể "qua mặt" được cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Thanh tra Xây dựng. Vấn đề là xử lý thế nào mà thôi. Thời gian vừa qua, cùng với xử lý công trình vi phạm, Sở Xây dựng và các quận, huyện đã kỷ luật 142 cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, không làm tròn trách nhiệm, để xảy ra vi phạm. Như vậy, có thể nói các cơ quan quản lý của thành phố đã "bắt đúng bệnh" và cũng đã có thuốc trị bệnh. Vấn đề là với "căn bệnh" đã kéo dài nhiều năm như vậy cần phải có thuốc đặc trị để ngăn chặn từ "gốc bệnh": Từ tình trạng "nhờn luật", cố tình vi phạm pháp luật của chủ đầu tư và tình trạng buông lỏng quản lý, thậm chí bao che cho các hành vi vi phạm của một bộ phận cán bộ công chức có trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, cần có chế tài mạnh và giải pháp quyết liệt hơn.

Thế Phương