Hà Nội: Phát huy giá trị kinh tế đêm từ không gian đi bộ
Đời sống - Ngày đăng : 17:11, 27/12/2022
Không gian đi bộ “nở rộ”, hạn chế vẫn tồn tại
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 5 không gian đi bộ, gồm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian đi bộ khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm); không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố - phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) và gần đây nhất có khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình).
Thời gian tới, Hà Nội dự kiến sẽ có thêm nhiều không gian đi bộ - văn hóa mới khi nhiều quận, huyện đang đề xuất đưa vào hoạt động: Phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình); phố đi bộ Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì); phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng)...
Việc mở thêm các tuyến phố đi bộ vào buổi tối nằm trong lộ trình phát triển kinh tế đêm, thúc đẩy du lịch của thành phố và được kỳ vọng sẽ thu hút khách du lịch, tạo thêm việc làm thông qua hoạt động thương mại, dịch vụ. Hiện tại, các quận, huyện đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục hạ tầng để sớm đưa các tuyến phố đi bộ vào hoạt động.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phân tích: “Kinh tế đêm đã được hình thành ở thành phố Hà Nội, đặc biệt tập trung ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ từ nhiều năm nay. Đặc biệt là vào các ngày cuối tuần từ thứ sáu đến chủ nhật, một số hoạt động đêm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến với Hà Nội. Thành phố bước đầu thành công với các chính sách hỗ trợ, góp phần phát triển kinh tế đêm, giúp kinh tế đêm của thành phố không chỉ tăng về quy mô mà còn cả về chất lượng”.
Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, vẫn còn nhiều hạn chế mà thành phố cần khắc phục để tăng chất lượng kinh tế đêm, trong đó dễ nhìn nhận nhất là các hoạt động còn nghèo nàn, đơn điệu với hiệu quả kinh tế chưa rõ nét.
Thêm vào đó, đôi chỗ, hoạt động kinh doanh còn mang tính “chộp giật”. Ở nhiều điểm du lịch Hà Nội, một số cơ sở, cá nhân kinh doanh đêm, đặc biệt là cung cấp dịch vụ ăn uống và vận chuyển còn hoạt động thiếu chuyên nghiệp và trong nhiều trường hợp còn “chặt chém” du khách. Ngoài ra, các tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời các tiêu chuẩn vệ sinh đô thị cũng chưa được tuân thủ chặt chẽ.
Từ một số hạn chế được chỉ ra, để các không gian đi bộ của Hà Nội phát huy đúng giá trị, góp phần phát triển kinh tế đêm của Thủ đô, theo các chuyên gia, còn nhiều điều phải lưu ý.
Cần các điều kiện riêng với hoạt động kinh doanh về đêm
Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, việc phát triển kinh tế ban đêm sẽ mang lại tác động tích cực đến nền kinh tế, là một phần không thể thiếu trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế ban đêm ít nhiều có ảnh hưởng đến vấn đề đảm bảo trật tự an toàn xã hội, áp lực ô nhiễm tiếng ồn, chất thải rắn, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Do đó, thành phố trước mắt nên tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm ở những khu vực, địa bàn có tiềm năng lớn về dịch vụ, thương mại, du lịch mà không phát triển tràn lan nhằm tránh gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư và khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Ngoài ra, cần quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm, bổ sung nhân lực cho các lực lượng chức năng đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động kinh doanh ban đêm về các điều kiện kinh doanh, an ninh trật tự, an toàn giao thông… và không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân sống xung quanh.
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm, mô hình này chỉ có thể phát huy ở những tuyến phố có nét đặc trưng về văn hóa, đậm bản sắc địa phương hoặc có các công trình kiến trúc đặc trưng nhằm quảng bá, phát huy giá trị tinh thần. Nếu không có yếu tố trên, tuyến phố phải nằm ở vị trí trung tâm hoặc dễ tiếp cận để kinh doanh dịch vụ, thương mại. Ông lưu ý mô hình quản lý kinh doanh cũng cần được xây dựng bài bản để tránh tình trạng lộn xộn, lấn chiếm không gian.
“Các chính sách phát triển và quản lý kinh tế ban đêm cần chú trọng tới nhu cầu trải nghiệm an toàn của người dân, khách du lịch đối với các hoạt động dịch vụ ban đêm; đồng thời, đảm bảo an ninh trật tự, tôn trọng không gian sống. Dữ liệu về kinh tế ban đêm cần được thống kê minh bạch, phục vụ công tác tính quy mô và cơ cấu của toàn bộ nền kinh tế”, PGS.TS Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam đề xuất.
Cũng theo PGS.TS Vũ Thị Vinh, thành phố cần phân quyền rõ ràng và khuyến khích triển khai các công tác quản lý hoạt động kinh tế đêm mang tính đặc thù, phát huy sáng tạo, gìn giữ bản sắc của địa phương; đầu tư nền tảng cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, nhằm chuẩn bị những điều kiện phát triển tốt nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí vào ban đêm trên địa bàn. Đặc biệt, chính sách phát triển kinh tế ban đêm cần kết hợp linh hoạt, sáng tạo cùng các chính sách phát triển kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, công nghệ 4.0 và kinh tế chia sẻ.
Từ nhiều kiến nghị nêu trên, các chuyên gia cũng đề xuất thành phố nên xem xét ban hành bộ tiêu chí quy định về phát triển kinh tế đêm trên địa bàn, nhằm đảm bảo phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tế, khả năng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố.