Chương trình kích cầu du lịch: Lữ hành gặp khó
Du lịch - Ngày đăng : 07:29, 26/07/2013
Trước tình hình kinh tế trong nước và thế giới không mấy khả quan, chương trình kích cầu du lịch năm 2013 được xem như chất xúc tác để thu hút khách, giúp ngành du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn. Thế nhưng, việc giá xăng tăng thêm 460 đồng/lít từ 20h ngày 17-7 khiến các doanh nghiệp lữ hành e ngại một làn sóng tăng giá khó tránh. Như vậy, những nỗ lực giảm giá tour để kích cầu sẽ phải điều chỉnh khi chính sách giá cước vận chuyển thay đổi. Điều đó đồng nghĩa với mục tiêu lợi nhuận của ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dịch vụ vận chuyển khó cưỡng nổi việc tăng giá khi giá xăng dầu liên tục tăng thời gian gần đây. Ảnh: Linh Ngọc |
Theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, chi phí vận chuyển (máy bay, xe khách, tàu hỏa, thuyền...) chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu giá thành của một chương trình du lịch. Đối với tour có sử dụng vé máy bay và xe ô tô, chi phí này chiếm khoảng 40-50%, thậm chí lên tới 60% giá tour nếu có chương trình tham quan bằng tàu thuyền. Còn trường hợp chỉ sử dụng đường bộ, chi phí dao động ở mức 20-25%. Tuy nhiên, chỉ trong hai tháng 6 và 7 vừa qua, giá xăng dầu tăng ba đợt, gây sức ép rất lớn lên các doanh nghiệp vận tải. Thực tế, trong hai lần tăng trước (diễn ra vào ngày 14-6 và ngày 28-6), doanh nghiệp vận tải chưa tăng giá cước nhưng với lần tăng giá mới vào ngày 17-7, nhiều khả năng mọi việc sẽ khác.
Nghe ngóng và chờ thông tin từ các đối tác, Phó Giám đốc Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, Hanoi Redtours và doanh nghiệp vận tải đã ký hợp đồng chặt chẽ, cam kết không tăng hoặc giảm giá ngay cả trong điều kiện giá xăng có sự biến động. "Tuy nhiên, nếu giá xăng vẫn duy trì mức cao thì thời gian tới, giá tour nội địa và inbound (đón khách quốc tế) nhiều khả năng sẽ tăng lên", ông Nguyễn Công Hoan dự đoán.
Không chỉ lo giá cước vận chuyển tăng, các hãng lữ hành còn e ngại khả năng nhà hàng, khách sạn, dịch vụ mua sắm… "tát nước theo mưa". Giám đốc Hanoitourist Lưu Đức Kế cho rằng, các hãng lữ hành đang nỗ lực giảm giá tối đa để kích cầu. Tuy nhiên, nếu tới đây giá một số dịch vụ cung ứng khác leo thang theo giá xăng dầu thì chắc chắn giá tour không thể giữ nguyên như hiện nay. Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp lữ hành phải đối mặt không chỉ là thay đổi giá tour, mà còn là khả năng giảm lượng khách, nhất là trong điều kiện nhà nhà, người người thắt chặt "hầu bao" như hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, các công ty du lịch "ngại" nhất là khâu vận chuyển và vì thế, ngành du lịch phải kết hợp với nhiều ngành khác nhằm kéo giá vận chuyển xuống, đặc biệt là giá vé máy bay. Các nước trong khu vực làm tốt điều này và doanh thu từ những dịch vụ như mua sắm, vui chơi giải trí được dùng để bù đắp cho khoản tiền giảm giá cước vận chuyển. Du lịch nước ta vốn đã kém sức cạnh tranh hơn những nước trong khu vực về dịch vụ, vui chơi giải trí..., nếu lại yếu thế hơn trong khả năng cạnh tranh về giá thì không chỉ mất khách nước ngoài mà còn mất cả khách trong nước.
Giảm tối đa chi phí phụ
Đại diện Công ty Du lịch Vietravel, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết, nhằm bảo đảm không để xảy ra tình huống bất ngờ, Vietravel không chỉ đàm phán với các đối tác mà còn chủ động xây dựng chính sách giá cho sản phẩm du lịch bằng đường bộ. Cụ thể, với việc sở hữu đội xe lớn, Vietravel linh động và điều tiết chính sách lợi nhuận để hỗ trợ giá tour, vì vậy khách hàng không phải chịu tác động từ việc tăng giá nhiên liệu. "Thời gian qua, việc tăng giá nhiên liệu ít nhiều tác động đến doanh nghiệp. Bên cạnh chính sách hỗ trợ về giá dịch vụ cung ứng, điều doanh nghiệp cần tính đến hiện nay là giảm thiểu lượng nhiên liệu tiêu hao. Ngay cả việc quy hoạch bãi đỗ xe dành cho phương tiện tại các điểm tham quan, trung tâm mua sắm cũng cần được tính đến. Trong thực tế, vì thiếu bến bãi hoặc bến bãi ở vị trí không thuận tiện cho việc dừng, đỗ nên các phương tiện phải di chuyển liên tục cho đến khi nhận khách trở lại. Sự bất tiện ấy vừa gây lãng phí nhiên liệu, vừa gây ô nhiễm môi trường", ông Nguyễn Minh Mẫn phân tích.
Với nhiều doanh nghiệp lữ hành khác, bí quyết để tránh sự tăng giá bất thường là bỏ những chi phí không cần thiết trong chương trình tour, sử dụng hướng dẫn viên tại chỗ để giảm chi phí đi lại, ăn ở...
Khó khăn đã rõ và giờ là lúc mà các doanh nghiệp lữ hành cần xác định phương án kinh doanh chủ động nhằm đối phó với tác động từ bên ngoài. Những chia sẻ nêu trên không phải là phương sách cuối cùng, nó cho thấy nếu các doanh nghiệp có cách làm sáng tạo thì ngay cả khi giá cước vận chuyển, giá dịch vụ có biến động, họ vẫn có thể giữ giá tour ổn định với chất lượng bảo đảm theo cam kết với khách hàng.