Còn sức còn đi tìm đồng đội
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:03, 26/07/2013
Tưởng nhớ đến đồng đội, tri ân với các gia đình liệt sĩ, hơn 20 năm qua, có một cựu chiến binh rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm kiếm thông tin về phần mộ và hài cốt liệt sĩ. Với hành trang là một chiếc xe đạp cà tàng, dăm bộ quần áo và mấy gói mỳ tôm, ông không nhớ nổi mình đi được bao nhiêu cây số, ngủ đêm tại bao nhiêu nghĩa trang và giúp được bao nhiêu gia đình tìm lại được phần mộ của người thân...
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lệnh. |
Ông tên là Nguyễn Văn Lệnh, người cựu chiến binh năm nay đã sang tuổi 83, hiện đang sống trong con ngõ nhỏ trên đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Hơn 20 năm qua, ông cặm cụi đi, cứ nơi nào có nghĩa trang và chiến trường xưa là ông đến. Không đơn vị tài trợ, cũng chẳng cơ quan đoàn thể nào phân công ông đi tìm kiếm mộ liệt sĩ cả, ông làm cốt bởi cái tình và cái tâm của một người lính đối với những người đồng đội đã khuất.
Ông Lệnh đã hai lần vào chiến trường, cũng nhiều lần kề cận với cái chết, nhưng ông thấy mình may mắn vì còn có cơ hội trở về với vợ con. Còn với đồng đội của ông, nhiều người hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, họ ra đi khi phía trước vẫn là bao nhiêu hoài bão. Ông Lệnh nhận mình là chiến sĩ hạng Hai, còn những người đồng đội đã anh dũng hy sinh là chiến sĩ hạng Nhất. Vì vậy, chuyện "chiến sĩ hạng Hai" đi tìm "chiến sĩ hạng Nhất" không chỉ là bổn phận trách nhiệm mà còn là đạo lý, tình đồng chí, đồng đội. Chia sẻ với phóng viên, ông Lệnh nói giọng trầm tư: "Trong trận chiến ở Sài Gòn, khi đánh nhau, anh em chiến sĩ hy sinh nhiều quá. Họ còn rất trẻ, chỉ như em mình thôi. Vì bảo vệ độc lập dân tộc mà họ đã hy sinh, là đồng đội với nhau, tôi đã nhiều lần khóc. Cha mẹ, người thân của các anh hùng liệt sĩ chắc cũng thế thôi. Ngày nào chưa tìm được phần mộ của con em mình, họ còn áy náy. Cứ nghĩ đến cảnh xương thịt đồng đội vẫn lạnh lẽo nằm đâu đó trong lòng đất, tôi lại muốn đi tìm. Mình rảnh rang, có điều kiện thì cố gắng, điều đó an ủi phần nào nỗi đau mất mát đối với các thân nhân liệt sĩ".
Trong kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Văn Lệnh là chiến sĩ của Tiểu đoàn 434 thuộc Trung đoàn 238 - Liên khu Việt Bắc. Địa bàn hoạt động của đơn vị ông là các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Yên cũ. Kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, ông được điều động sang đơn vị huấn luyện đặc công. Năm 1964, khi đang làm chuyên gia huấn luyện đặc công ở nước bạn Lào, ông được Trung ương Cục miền Nam điều về nước và làm Đội phó Đội vũ trang B5 của Ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định. Công việc của Đội vũ trang B5 là chuyên theo dõi, lập kế hoạch ám sát các quan chức cao cấp của chính quyền ngụy, một công việc cực kỳ nguy hiểm, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào.
Hai lần vào sinh ra tử qua hai cuộc chiến, chứng kiến cảnh chết chóc rồi tự tay chôn cất đồng đội, đồng chí của mình, ông luôn bị ám ảnh và có lẽ vì thế việc đi tìm hài cốt đồng đội cứ bám riết lấy ông. Từ năm 1984 đến nay, ngoài việc đạp xe lên chợ Đồng Xuân lấy hàng tạp hóa về cho vợ bán, công việc còn lại của ông là đạp xe đi tìm hài cốt liệt sĩ. Khi vợ qua đời, ông vẫn tiếp tục "bám" cửa hàng nhỏ vừa để trang trải cuộc sống vừa lấy tiền "lộ phí" cho những chuyến đi tìm đồng đội dài ngày.
Còn một nguyên nhân sâu xa đưa ông đến với công việc nghĩa tình này. Đó là trong một lần Đội trinh sát B5 của ông nhận được lệnh đánh vào Dinh Độc Lập, do bị lộ, ông cùng đồng đội phải thay đổi kế hoạch. Khi quay ra, nhóm của ông quyết định đánh thẳng vào Tổng nha Cảnh sát, không ngờ gặp ngay phải chốt kiểm tra của quân ngụy. Tư Kiếm, một đồng chí của ông đã lao thẳng xe Lambro chở ba quả đạn H12 đã được ngụy trang vào xe tuần tra của địch và hy sinh. Sau đó, ông cũng không biết địch đã mang xác Tư Kiếm đi đâu. Ông hứa với lòng mình, nếu còn sống sẽ nhất định quay lại tìm hài cốt anh Tư Kiếm. Từ khi đất nước hòa bình đến nay, đã không dưới 20 lần ông khăn gói vào Sài Gòn, lần theo các manh mối để tìm Tư Kiếm nhưng vẫn chưa có kết quả. Dù chưa tìm được hài cốt bạn chiến đấu nhưng đổi lại, ông Lệnh lại tìm thấy nhiều đồng chí, đồng đội khác không cùng đơn vị.
Với hành trang là chiếc xe đạp cà tàng, vài bộ quần áo, mấy gói mỳ tôm cộng với một tấm lòng… như thế là ông lại lên đường, tối ngủ lại ở các nghĩa trang. Đến giờ, ông không nhớ mình đã ngủ lại ở bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ và đã đạp xe bao nhiêu cây số để đi tìm hài cốt đồng đội. Trong cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ những chuyến đi, bước chân người lính già đã qua 18 tỉnh, thành phố cả trong Nam ngoài Bắc, 135 quận, huyện; 328 xã, phường… còn nghĩa trang thì ông không thể nhớ hết được. Ông và đồng đội đã tìm thấy gần 200 bộ hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính đem quy tập về các nghĩa trang, hơn 12 nghìn địa chỉ mộ liệt sĩ đã được ông gửi thư thông báo đến thân nhân các gia đình liệt sĩ trên khắp cả nước.
Năm 2000, ông và một số đồng đội cũ vào thăm lại chiến trường xưa ở Bình Dương, ông Lệnh đã tìm được ngôi mộ tập thể gồm 30 bộ hài cốt chiến sĩ quân giải phóng. Số hài cốt sau đó được bàn giao lại cho Ban quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh đội Bình Dương. Tiếp đó, cuối năm 2002, sau bốn năm kiên trì với hàng trăm lần đạp xe về Bắc Giang, Hải Dương, lần tìm theo manh mối, chứng cứ, ông đã tìm ra nơi chôn cất 69 chiến sĩ của Tiểu đoàn 434, Trung đoàn 238 hy sinh trong trận Bãi Thảo (thuộc xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, Bắc Giang) thời chống Pháp.
Thông qua việc nghe người dân kháo nhau khu vực đất ruộng xã Cẩm Lý có nhiều tổ mối, dép cao su, lưỡi lê, dao găm, bi đông nước, áo mưa... Bằng linh cảm người lính, ông đoán khả năng khu vực này có mộ liệt sĩ. Sau khi ông gửi thư đề đạt với các ngành chức năng, Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 và các cựu chiến binh Trung đoàn 238 đã tổ chức một buổi hội thảo xung quanh vấn đề này. Mọi người đều nhất trí với nhận định và manh mối mà ông Lệnh đưa ra… Sau 3 tháng khai quật, 69 bộ hài cốt của chiến sĩ Tiểu đoàn 434 đã được tìm thấy khiến ông mừng rơi nước mắt. Ông khóc như thể được hội ngộ với những đồng đội cũ sau bao năm xa cách. Cho đến nay, dựa trên danh sách những người hy sinh, ông Lệnh đã liên lạc được với gia đình họ ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Vĩnh Phúc và 50 trên tổng số 69 hài cốt đã xác định được danh tính. Cuộc hội ngộ xen giữa niềm vui và nước mắt diễn ra ngay tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Cổ Mệnh, nhiều thân nhân liệt sĩ đã ôm lấy ông mà khóc.
Về nghĩa cử cao đẹp của cựu chiến binh Nguyễn Văn Lệnh, bà Trần Thị Ninh ở ngõ Trại Găng, quận Hai Bà Trưng vẫn nhớ như in cái ngày bà được ông Lệnh báo tin về phần mộ của chồng sau 43 năm nhận giấy báo tử. Vợ tìm được chồng, con tìm được cha, hài cốt được quy tập về nghĩa trang gần nhà, bà Ninh xúc động nói: "Ơn này là nhờ bác Lệnh. Bao nhiêu năm nay gia đình lặn lội tìm kiếm phần mộ ông nhà mà không có kết quả. Nay tìm thấy, cả gia đình mừng rơi nước mắt. Tôi và các cháu biếu bác Lệnh chút tiền để chi phí tàu xe nhưng bác ấy nhất định không lấy, bảo lấy tiền của bà thì tôi còn mặt mũi nào nhìn đồng đội mình…"
Cứ như thế, hơn 20 năm qua, ông Lệnh rong ruổi khắp trong Nam, ngoài Bắc và trở thành "người quân bưu cho những hương hồn liệt sĩ". Vừa qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp với Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt gương quản trang và người tìm kiếm mộ liệt sĩ tiêu biểu, ông Lệnh được mời đến dự. Ông Lê Xuân Niêm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử cảm động thốt lên: "Tôi khâm phục người cựu chiến binh này. Trong chiến tranh, ông Lệnh là một chiến sĩ dũng cảm, can trường. Đất nước hòa bình, ông là người tuổi cao nhưng bằng đồng tiền gom góp của mình vẫn dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc tìm kiếm thông tin về phần mộ liệt sĩ. Đây là tấm gương sáng mà mỗi người chúng ta phải suy nghĩ, học tập".
Với ông Lệnh, trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, ký ức về những trận đánh, những đồng đội hy sinh luôn sống trong ông như một giấc mơ dài chưa có hồi kết. Chuyện với phóng viên, người cựu chiến binh già Nguyễn Văn Lệnh nói: "Còn sức khỏe ngày nào, tôi còn tiếp tục kiếm tìm đồng đội".