Nhiều lỗ hổng trong quản lý ngân sách

Kinh tế - Ngày đăng : 05:53, 26/07/2013

(HNM) - Hơn 14.710 tỷ đồng là số tiền mà Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý sau khi thực hiện kiểm toán ngân sách năm 2011.



Bên cạnh việc tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) hàng nghìn tỷ đồng, KTNN còn phát hiện nhiều bất cập trong quản lý tiền, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước. Qua đó cho thấy còn nhiều lỗ hổng cần khắc phục. Đây là những nội dung được KTNN công bố tại cuộc họp báo kết quả kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách năm 2011, ngày 25-7 tại Hà Nội.

Nhiều sai phạm trong quản lý tài chính

Báo cáo quyết toán của 15 bộ, cơ quan TƯ, 28 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, 37 dự án đầu tư xây dựng, 34 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tổ chức tài chính ngân hàng, 4 đầu mối thuộc cơ quan Đảng và báo cáo quyết toán NSNN năm 2011 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư… đã được KTNN kiểm toán cho thấy, công tác thu, chi cân đối NSNN cơ bản thực hiện đúng quy định của Luật NSNN. Với công tác thu, tuy đã có những chuyển biến tích cực song vẫn xảy ra tình trạng: Gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp không đúng đối tượng, hoàn thuế giá trị gia tăng không đúng quy định, chưa kịp thời nộp thuế tạm thu vào NSNN… Tình trạng thất thu thuế, phí, lệ phí và nguồn thu khác tại các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc các bộ, ngành, địa phương tuy có giảm song nhiều đơn vị vẫn hạch toán sai, thiếu doanh thu. Kiểm toán 230 đơn vị thuộc 14 bộ, ngành, 212 đơn vị thuộc 28 địa phương, KTNN xác định các khoản thuế, phí và thu khác phải nộp vào NSNN tăng thêm 140,6 tỷ đồng.

Thực hiện quy trình kiểm toán thực tế tại một công trường xây dựng ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hậu


Về hoạt động chi NSNN, kết quả kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011 cho thấy, mặc dù không thể phủ nhận hiệu quả tích cực của dự án, song vẫn xảy ra tình trạng có nhiều chương trình, mục tiêu cùng thực hiện trên một địa bàn; công tác kiểm tra giám sát dự án chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số chương trình bố trí vốn không đúng nội dung như tỉnh Hà Giang đã sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục để chi trả học sinh theo Quyết định 112 số tiền 2,2 tỷ đồng sai quy định…

Kết quả kiểm toán tại 271 DNNN thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) cho thấy, công tác quản lý tiền, tài sản nhà nước còn nhiều bất cập. Sau kiểm toán, KTNN xác định tổng nợ phải thu của 27 TĐ, TCT đến cuối năm 2011 là 54.133 tỷ đồng, chiếm 20,56% trên tổng tài sản và 82,97% trên vốn chủ sở hữu. Một số đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ để khách hàng chiếm dụng vốn lớn. Đơn cử, tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản của Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 (Tổng Công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam) lên tới 59,8%. Công ty CP Xây lắp và sản xuất công nghiệp lên tới 40%... KTNN đã điều chỉnh giảm tổng tài sản của 27 đơn vị 1.477 tỷ đồng. Kiểm toán tại 6 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đã xác định tỷ lệ nợ xấu của các đơn vị liên tục tăng từ năm 2007 và tăng đột biến vào năm 2011. Nhiều ngân hàng có những khoản vay tiềm ẩn rủi ro và thu hồi vốn khó khăn. Kiểm toán hoạt động của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, phát hiện tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách. Tình trạng chậm nộp, nợ các loại bảo hiểm xảy ra ở hầu hết tỉnh, thành phố với số nợ đọng BHXH đến cuối năm 2011 lên tới hơn 6.420 tỷ đồng…

Quản lý chặt chẽ vốn ngân sách

Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết, đã chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng sang cơ quan điều tra. Cụ thể, Ban quản lý dự án Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên quyết toán khống hơn 3 tỷ đồng tại công trình cấp nước liên xã của huyện Ân Thi; Công ty CP lương thực Nghệ An (Vinafood 1) ứng tiền trước khi mua hàng nhưng tới thời điểm lại không nhận hàng dẫn đến sai phạm khoảng 161 tỷ đồng; Công ty Quản lý tài chính 2 thuộc Ngân hàng NN&PTNT đang trong quá trình xét xử... Hai đơn vị còn lại là Công ty Bê tông xây dựng Vinaconex Xuân Mai mua đất nông nghiệp nhưng không thực hiện được với số tiền vài chục tỷ đồng; Công ty Tài chính Sông Đà chi lương, mua bán ngoại tệ có dấu hiệu sai phạm.

Liên quan đến việc kiến nghị xử lý tài chính của KTNN chỉ đạt 71,62%, ông Lê Minh Khái cho biết, việc coi kết quả này là "thước đo" giá trị của những kiến nghị do KTNN đưa ra là đúng, bởi nếu kiến nghị đúng và có bằng chứng thì phải thực hiện. Hằng năm, việc thực hiện kiến nghị của KTNN đều tăng và Chính phủ đã chỉ đạo phải thực hiện những kiến nghị này. Thời gian qua, mặc dù kết quả thực hiện chưa được như mong muốn, song nếu đánh giá khách quan, có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả này. Thứ nhất, các đơn vị thực hiện chưa nghiêm bởi những kết luận của KTNN thường ảnh hưởng khá lớn tới quyền lợi của mỗi đơn vị. Tình hình tài chính khó khăn khiến một vài đơn vị chưa thể thực hiện ngay kết luận của KTNN. Một số đoàn kiểm toán hay kiểm toán viên cũng có những kết luận chưa sát thực tế, hoặc thiếu bằng chứng nhưng số lượng không lớn... Đây là nguyên nhân khiến việc thực hiện kiến nghị của KTNN chưa đạt 100%. Nếu cả hệ thống, từ cơ quan kiểm toán, cơ quan thực hiện kết luận và đơn vị phải thực hiện kiến nghị đều chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật, chắc chắn kết quả sẽ cao hơn.

Hương Ly