Bảo đảm việc tuân theo pháp luật ở tất cả các giai đoạn tố tụng

Chính trị - Ngày đăng : 05:33, 26/07/2013

(HNM) - Ngày 25-7, Viện KSND TP Hà Nội tổ chức tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TƯ ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ CCTP Thành ủy Nguyễn Công Soái dự và chỉ đạo hội nghị.

Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 49, chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện KSND hai cấp được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, giữ vững ANCT và TTATXH trên địa bàn Thủ đô. Các mặt công tác khác của ngành KSND Hà Nội cũng đạt được những kết quả tốt, như: Kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; kiểm sát thi hành án dân sự; kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái yêu cầu ngành KSND thành phố tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, yêu cầu chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm cần được chấp hành nghiêm túc. Viện KSND phải kiên quyết, công tâm và bản lĩnh hơn nữa, bảo đảm việc tuân theo pháp luật được thực hiện nghiêm túc ở tất cả các giai đoạn tố tụng và với các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng... Ngành KSND thành phố phối hợp với các cơ quan tư pháp xây dựng quy chế phối hợp; tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên nhằm xây dựng đội ngũ công chức có đủ tiêu chuẩn, năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu CCTP và hội nhập.

* Cùng ngày, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TƯ. Qua 8 năm thực hiện, trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của ngành tư pháp, Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo 22 dự án luật, pháp lệnh. Ngành tư pháp cũng đã hoàn thành nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ tổ chức tổng kết thi hành và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 với nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến cải cách tư pháp. Tuy nhiên, việc xây dựng dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm chưa toàn diện, thiếu tính thời sự. Tổ chức và hoạt động của luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý bộc lộ nhiều bất cập... Từ nay đến năm 2020, Bộ Tư pháp sẽ chuẩn hóa các mô hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án, thừa phát lại; nghiên cứu mở rộng phạm vi xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp song song với nâng cao chất lượng dịch vụ với bước đi, lộ trình phù hợp yêu cầu thực tiễn…

Thành Tâm - Hà Phong