Làm rõ trách nhiệm quản lý
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:31, 26/07/2013
Trước đó chưa đầy một ngày, cũng tại tỉnh này, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Kotop Vina (KCN Tam Phước, TP Biên Hòa) đã phải đi cấp cứu do những triệu chứng ngộ độc thực phẩm… ngay sau bữa ăn tối.
Đây là hai vụ việc riêng rẽ, chẳng liên quan gì với nhau (dù xảy ra ở cùng địa phương và gần như cùng thời điểm), song lại có chung thông điệp: Vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và ngộ độc thực phẩm đang gia tăng đến mức báo động, dường như đã là "chuyện thường ngày" gây bức xúc dư luận xã hội.
Hội thảo do Hiệp hội Thực phẩm chức năng tổ chức ngày 23-7 đã đưa ra một thông tin khiến ai đọc cũng phải rùng mình, đó là 90% mẫu nước uống đường phố (trà chanh, trà đá, nước mía, nhân trần…) tại Hà Nội bị nhiễm khuẩn E.Coli, hàm lượng kim loại nặng - nhất là chì, thủy ngân - đều vượt mức cho phép. Trước đó chỉ vài ngày, báo chí cũng đã làm nóng dư luận về chuyện bún, bánh phở, hủ tiếu, mì sợi… được tẩy trắng bằng chất huỳnh quang, vốn là hóa chất được dùng trong công nghiệp dệt, có tác dụng làm sáng vải, có thể gây viêm loét ruột, dạ dày, lâu ngày có thể dẫn đến suy gan, suy thận, ung thư…
Không chỉ ở thời điểm này mà lâu nay báo chí vẫn thường xới xáo những chuyện bức xúc, bất cập trong lĩnh vực ATVSTP. Nào là thịt gia súc, gia cầm nhiễm bệnh; nào là cá biển, rau xanh bị lạm dụng quá mức hóa chất bảo quản cũng như thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng (thậm chí cả rau an toàn cũng không an toàn!); chuyện giò, chả, trà sữa, thạch rau câu, dừa quả, măng khô… chứa nhiều chất độc hại; ngay đến cả cái tăm, đôi đũa cũng không an toàn cho người sử dụng. Vi phạm tràn lan như thế, còn hậu quả thì…Thông tin mới nhất từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 87 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 1.800 người nhập viện và 18 trường hợp tử vong.
Rõ ràng là dù lạc quan đến mấy cũng khó mà yên tâm trước những thông tin như thế đang ngày càng dày đặc trên báo chí, truyền hình. Phần lớn người tiêu dùng cảm thấy thực phẩm bẩn đang"thập diện mai phục", đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của mình và người thân; khó có thể tin tưởng vào bất kỳ loại thực phẩm, đồ ăn thức uống nào trên thị trường, kể cả ở những siêu thị, cơ sở kinh doanh có thương hiệu hẳn hoi.
Cũng khó quy kết các cấp, ngành "bình chân như vại" trước thực trạng vi phạm ATVSTP đang phổ biến trong đời sống xã hội. Báo cáo tại các kỳ cuộc cho thấy lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vi phạm, thu giữ nhiều vật chứng, tang vật… Thế nhưng, thực tế thì rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là hàng quán vỉa hè, vi phạm rất rõ về ATVSTP, vẫn tồn tại năm này qua năm khác mà không hề được cơ quan chức năng "thăm viếng" nhắc nhở chứ chưa nói đến kiểm tra, xử lý… Những báo cáo này đều chỉ ra nguyên nhân là do "lỗ hổng" trong pháp lý (dù nước ta không thiếu quy định pháp lý về ATVSTP), hay lực lượng mỏng (dù có một số lượng nhân sự khá lớn, ở nhiều cơ quan, cấp ngành được huy động làm nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này). Đáng nói là chưa có ai bị xử lý hình sự cho dù vi phạm nghiêm trọng về ATVSTP, cũng như chưa có cá nhân hay tập thể nào bị kỷ luật vì buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực ATVSTP.
Bởi vậy, muốn ngăn chặn dứt điểm vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP thì không thể cứ mãi "đánh trống bỏ dùi", quy trách nhiệm chung chung hay khuyến cáo người dân "hãy là người tiêu dùng thông thái", mà các cơ quan chức năng cần có những hành động cụ thể, quyết liệt, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong quản lý, xử lý vi phạm.