Hà Nội: Xây dựng tuyến ĐSĐT số 2 và 3 gặp khó vì vốn "khủng"

Xã hội - Ngày đăng : 19:07, 25/07/2013

(HNMO) - Chiều ngày 25/7, Tập thể UBND TP Hà Nội đã thảo luận về việc triển khai xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) quan trọng của Thủ đô, đó là tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình và tuyến ĐSĐT số 3 đoạn từ ga Hà Nội – Hoàng Mai.

(HNMO) - Chiều ngày 25/7, Tập thể UBND TP Hà Nội đã thảo luận về việc triển khai xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) quan trọng của Thủ đô, đó là tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình và tuyến ĐSĐT số 3 đoạn từ ga Hà Nội – Hoàng Mai.

Tuyến ĐSĐT số 2: Dự kiến sẽ triển khai từ 2014-2020 nhưng gặp nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đường sắt đô thị, tuyến ĐSĐT số 2 đoạn Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo - Thượng Đình được chia làm 2 dự án. Dự án 1: Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo đang ở giai đoạn thực hiện đầu tư. Dự án 2: Trần Hưng Đạo- Thượng Đình đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Địa điểm xây dựng dự án 2 sẽ qua các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân. Chiều dài đoạn tuyến khoảng 6km đi ngầm toàn bộ nối tiếp với điểm cuối của tuyến ĐSĐT Nam Thăng Long- Thượng Đình. Điểm cuối Thượng Đình tại nút giao thông Nguyễn Trãi - Vành đai 2 (ga C16). Lộ trình tuyến sẽ qua các tuyến phố: Phố Huế- Đại Cồ Việt- xã Đàn, Hoàng Tích Trí- Chùa Bộc- Tây Sơn- Nguyễn Trãi- Thượng Đình. Trên toàn tuyến có 6 nhà ga ngầm. Dự án cần sử dụng 48,28 ha đất, trong đó diện tích thu hồi đất vĩnh viễn 0,87 ha, diện tích hành lang bảo vệ công trình 47,71 ha. Để xây dựng tuyến đường này, 237 hộ dân cần tái định cư và 523 hộ dân phải di chuyển tạm thời trong quá trình thi công.

Đáng lưu ý, đây là công trình cấp đặc biệt, đường sắt đôi khổ đường 1435mm, sử dụng 24 đoàn tàu 6 toa, mỗi toa có sức chứa 155 hành khách, tốc độ chạy tàu tối đa theo thiết kế 110 km/h, thời gian hoạt động từ 5h-23h hằng ngày. Tổng mức đầu tư dự kiến 34.743.026 triệu đồng (tương đương 1.668,09 triệu USD). Nguồn vốn dự án từ vốn vay ODA của Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đến thời điểm này, dự án đang trong quá đình thẩm định, phê duyệt, dự kiến sẽ triển khai từ 2014-2020.

Theo đại diện Ban quản lý, hiện dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa dự án vào danh sách các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, UBND TP Hà Nội đã đề nghị đưa vào danh sách ngắn đợt 2 tài khóa 2013, hiện Bộ kế hoạch và đầu tư đang xem xét để báo cáo Thủ tướng chính phủ theo quy định.

Mặt khác, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đang trình Bộ Xây dựng thẩm định, phải điều chỉnh một đoạn tuyến từ Ngã Tư Sở đến Thượng Đình để kết nối tuyến số 2 với số 4 trên đường Vành đai 2,5 khác với hướng tuyến đã được thành phố phê duyệt.

Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng và GPMB các nhà ga ngầm rất khó khăn, phức tạp do nằm ở các vị trí trung tâm đô thị, phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết đô thị đã được phê duyệt. Đây là một trong các nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án ĐSĐT.

Thi công một đoạn tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông.



Tuyến ĐSĐT số 3: Khó đi ngầm vì tốn kém chi phí

Theo ông Nguyễn Quang Mạnh, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội: Tuyến ĐSĐT số 3 từ Nhổn – ga Hà Nội – Hoàng Mai có chiều dài 21km, nối khu vực phía tây với trung tâm thành phố và khu vực phía nam thành phố. Sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 lên tới Sơn Tây, tổng chiều dài dự kiến của tuyến số 3 khi đó là 48km. Đây là 1 trong 2 trục giao thông có lưu lượng hành khách lớn nhất thành phố, đến năm 2020 lưu lượng hành khách là 488.000 hành khách/ngày.

Tuyến ĐSĐT số 3 sau khi hoàn thành theo quy hoạch sẽ kết nối các khu vực dân cư và khu đô thị lớn của Hà Nôi ở huyện Từ Liêm và các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Dự kiến đến năm 2020, ĐSĐT sẽ là loại hình vận tải hành khách công cộng chủ lực của thành phố để vận chuyển hành khách trục tây – nam. Đoạn đầu của tuyến ĐSĐT số 3 từ Nhổn đến ga Hà Nội dài 12,5km đã được triển khai, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Riêng về đoạn tuyến ĐSĐT số 3 từ ga Hà Nội – Hoàng Mai có vai trò đặc biệt trong việc hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT giai đoạn đầu tại khu trung tâm. Đoạn tuyến này sẽ nối dài tuyến Nhổn – ga Hà Nội ở ga trung tâm (có kết nối tuyến số 1 và tuyến đường sắt quốc gia, đồng thời sẽ kết nối với tuyến số 2 tại ga Hàng Bài tạo nên sự gắn kết của mạng lưới ĐSĐT trong giai đoạn đầu, cơ bản cung cấp dịch vụ khu vực đô thị trung tâm).

Về quy mô dự án, chiều dài tuyến là 8km với 7 ga. Vì là đoạn tuyến kéo dài của ĐSĐT số 3 nên tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng, công nghệ thiết bị, quy mô đoàn tàu sẽ đồng bộ với dự án tuyến ĐSĐT thí điểm Nhổn – ga Hà Nội ( khổ đường sắt 1435mm, đường đôi; có 13 đoàn tàu dài 4 toa).

Thuận lợi của dự án là hiện nay đã cơ bản đủ điều kiện triển khai chuẩn bị đầu tư; đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận kế hoạch vốn đầu tư 990 triệu USD và phê duyệt danh mục yêu cầu Ngân hàng ADB tài trợ 1,5 triệu USD để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. ADB đã thống nhất viện trợ 1,5 triệu USD để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi từ 2013-2015 và nguồn tài trợ nước ngoài giai đoạn thực hiện đầu tư 2015-2020 là 840 triệu USD (chiếm 85% tổng mức đầu tư).

Tuy nhiên, khó khăn là hiện quy hoạch chi tiết về tuyến và các nhà ga chưa được phê duyệt vì vậy trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở phải kết hợp với việc triển khai lập và trình duyệt quy hoạch chi tiết đáp ứng yêu cầu quản lý quy hoạch đô thị của nhà nước bao gồm cả thủ tục tư vấn cộng đồng, thỏa thuận về kỹ thuật, môi trường xã hội, tái định cư.

Đáng chú ý, về bố trí không gian, có 3 phương án được Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội trình bày. Một là, theo đề cương dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, tuyến đường dự kiến đi ngầm từ quảng trường 1-5 đến vành đai 1 dài 2km, đi trên cao từ vành đai 1-vành đai 3 dài 6km. Tuyến này sẽ gồm 2 ga ngầm, 5 ga trên cao; Tổng mức đầu tư khoảng 990 triệu USD.

Hai là, theo đề xuất của Sở QH-KT tại cuộc họp ngày 19/7/2013: tuyến đường sẽ đi ngầm từ quảng trường 1-5 đến vành đai 2 dài 3,7km, đi trên cao từ vành đai 2-vành đai 3 dài 4,3km; Gồm 3 ga ngầm, 4 ga trên cao. Tổng mức đầu tư khoảng 1.150 triệu USD, tăng 160 triệu USD so với phương án ban đầu.

Ba là, theo quy hoạch GTVT Thủ đô 2030-2050 đang được Bộ Xây dựng thẩm định, tuyến đường sẽ đi ngầm toàn bộ 8km; Tổng mức đầu tư nhảy vọt lên khoảng 1.790 triệu USD. Ưu điểm của tuyến đi ngầm là sẽ tránh ảnh hưởng đến tuyến điện cao thế hiện có, giảm khối lượng GPMB. Nhưng chi phí xây dựng tuyến ngầm lớn hơn đi trên cao rất nhiều, dẫn đến vượt quá mức vốn trong kế hoạch đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (990 triệu USD). Trong quá trình chuẩn bị đầu tư sẽ phải tiếp tục huy động thêm vốn vay ODA, đây là một khó khăn phát sinh về vốn so với dự kiến trước đây. Tuy nhiên, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đề xuất chọn phương án đi ngầm toàn bộ 8km theo quy hoạch.

Đồng thuận với ý kiến trên, ý kiến từ Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết: Theo Quy hoạch chung từ vành đai 2 trở vào sẽ đi ngầm nên phương án 2 là phù hợp. Trong định hướng các tuyến đường điện 110kw cũng sẽ phải đi ngầm nên không cần lo việc vướng tuyến đường điện này.

Riêng về vấn đề hướng tuyến đường, Phó giám đốc Sở QH-KT, Dương Tuấn băn khoăn hướng tuyến có nên đi qua Lò Đúc hay không bởi đường này có lộ giới nhỏ? Theo ông Dương Tuấn nên đi nổi nhưng không lên “ngóc” lên để đi nổi từ Kim Ngưu mà để đến khu vực Tam Trinh mới đi nổi vì theo quy hoạch tuyến này sẽ có lộ giới rộng 38m.

Mặt khác, liên quan đến vấn đề GPMB để thi công, ông Trần Việt Trung, Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, trên địa bàn quận bây giờ mới cắm mốc để triển khai công tác GPMB tuyến Cát Linh. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Lưu, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân phản ánh: Tháng 5 vừa qua, quận mới nhận bàn giao và cắm mốc, đang triển khai GPMB, phấn đấu trong năm nay hoàn thành GPMB.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo giao Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội lập báo cáo xin chủ trương đầu tư. Chủ tịch cũng lưu ý việc chọn tuyến phải phù hợp quy hoạch và điều kiện kinh tế, theo đó sẽ đi theo tuyến quy hoạch đã duyệt (phương án A). Về vấn đề đi ngầm – nổi, Chủ tịch giao cho Ban nghiên cứu phương án 1 sẽ giảm chi phí, đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; phương án 2 tăng chi phí. Chủ tịch ghi nhận phần lớn các ý kiến nghiêng về phương án 2 nhưng vấn đề kinh phí để thực hiện khó khăn. 

Xung quanh vấn đề đường vành đai 3, nếu tuyến đường vướng cầu vượt phải tính phương án chui ngầm. Ngoài ra, còn phương án nữa do đây là ga cuối của đoạn tuyến, vượt qua Vành đai 3 chỉ để quay đầu, vậy có thể tính toán làm nhà ga cuối ở vị trí khác để không phải đi qua Vành đai 3.

Lan Hương