Hà Nội: Phát triển hệ thống thương mại ở khu vực nông thôn
Xã hội - Ngày đăng : 06:07, 25/07/2013
Trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, trên địa bàn 9 quận nội thành và Hà Đông có 103 chợ (diện tích bình quân 3.074,2m2/chợ); 19 huyện, thị ngoại thành có 308 chợ (diện tích bình quân 4.047,6m2/chợ). Tại các quận nội thành, thị xã Sơn Tây và ở các huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh… các chợ đều được xây kiên cố hoặc bán kiên cố. Số chợ tạm tập trung khá cao tại một số huyện như Chương Mỹ (71%), Ba Vì (65%). Phần lớn chợ hạng 3 đều xuống cấp. Một số chợ tại các xã chỉ là những lều lán tạm hoặc tổ chức mua bán tại bãi đất trống, họp ngay ven đường hoặc trong thôn xóm gây ách tắc giao thông.
Từ khi mở rộng đến nay, thành phố đã đầu tư xây mới 4 chợ hạng 1; 4 chợ hạng 2 và 22 chợ hạng 3. Đồng thời, cải tạo và nâng cấp chợ đầu mối phía Nam và Bắc Thăng Long; 6 chợ hạng 1 và 36 chợ hạng 3. Đến nay, Hà Nội có 413 chợ (gồm 382 chợ đã phân hạng, 31 chợ chưa phân hạng). UBND thành phố ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất quản lý, tạo ra chuyển biến tích cực. Mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị phát triển vượt bậc, đạt mục tiêu đa dạng hóa các loại hình phân phối, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, tạo thói quen mua sắm theo hướng văn minh, hiện đại, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thành phố hiện có 25 trung tâm thương mại và 121 siêu thị (trước khi sáp nhập chỉ có 9 trung tâm thương mại, 38 siêu thị).
UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhằm đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ. Theo quy hoạch, không xây mới chợ ở thành thị, khu vực nội đô từ vành đai 2 đến trung tâm. Thay vào đó, sẽ xây dựng chợ bán lẻ nông sản, thực phẩm ở các đô thị vệ tinh với số lượng và quy mô căn cứ theo quy mô của từng đô thị được quy hoạch; nâng cấp một số chợ hiện có diện tích hơn 3.000m2 thành đại siêu thị, trung tâm mua sắm gắn với chợ bán lẻ. Nâng cấp hoặc xây mới chợ thị trấn, thị tứ thành chợ quy mô hạng 1, 2. Hình thành và phát triển 4 chợ đầu mối bán buôn nông sản - thực phẩm tổng hợp cấp vùng, quy mô 50-100ha ở 4 khu vực: Phía bắc (Mê Linh), phía nam (Thường Tín, Phú Xuyên), phía tây (Hòa Lạc, Thạch Thất), phía đông (Gia Lâm). Trung tâm bán buôn tổng hợp hàng công nghiệp tiêu dùng cấp vùng sẽ được phát triển tại Gia Lâm, Sóc Sơn, Chúc Sơn, Thường Tín, Phú Xuyên, Sơn Tây. Đến năm 2020, có 8 chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng và chuyên ngành tại Gia Lâm, Quốc Oai, Mê Linh, Phú Xuyên, Sơn Tây; 5 trung tâm mua bán cấp vùng, 19 trung tâm thương mại quốc tế, trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế và trung tâm mua sắm.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện tích Hà Nội tăng lên đáng kể. Những vùng đất mới không chỉ có khó khăn, mà còn có cả những lợi thế, là cơ hội để các doanh nghiệp thương mại mở rộng hệ thống bán lẻ. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là một trong những đơn vị đã, đang tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết với các công ty thương mại có tiềm lực tại các huyện ngoại thành để tăng số lượng công ty thành viên. Hapro đặt mục tiêu phát triển hệ thống bán lẻ như trung tâm thương mại, chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng… ở ngoại thành, khu vực xa trung tâm. Dự kiến, từ nay đến hết năm 2015, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapro Mart cơ bản phủ kín các huyện, nhất là vùng sâu, vùng xa…
Phát triển hệ thống thương mại theo hướng hiện đại là tất yếu. Tuy nhiên, không vì thế mà đánh giá thấp hoặc bỏ qua hình thức chợ truyền thống, vốn đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội. Trong quy hoạch hệ thống thương mại của thành phố, ngoài việc khắc phục những bất cập trong quản lý, điều hành, sẽ phát triển chợ truyền thống phù hợp, đúng hướng góp phần phát huy nét văn hóa đặc sắc và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Ý kiến nhân dân Bà Khuất Thị Nghệ (xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất): Vấn đề an sinh xã hội ngày càng được quan tâm Từ khi hợp nhất đến nay, đời sống của các gia đình nghèo và gia đình thuộc diện chính sách được nâng lên rõ rệt. Các chế độ, chính sách dành cho gia đình liệt sĩ, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng đều được áp dụng ở mức cao hơn. Vào dịp Tết Nguyên Đán hay những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước... ngoài tiêu chuẩn chung theo quy định của Chính phủ, Hà Nội có thêm những phần quà chăm lo cho các gia đình chính sách. Sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần của thành phố đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, người có hoàn cảnh khó khăn cũng được quan tâm như việc được hưởng trợ cấp hằng tháng, thường xuyên được khám bệnh miễn phí tại trạm y tế xã... Bà Hương Giang (phường Quang Trung, quận Hà Đông): Mở rộng địa giới giải quyết được các vấn đề dân sinh bức xúc Mở rộng địa giới hành chính đã mang đến những điều kiện quan trọng về tự nhiên và xã hội để Hà Nội phát triển xứng tầm với những Thủ đô lớn trên thế giới. Với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có đất để xây dựng các công trình công cộng, nhà ở, giao thông và di dời các trường ĐH, CĐ, bệnh viện ra khỏi khu vực nội đô, nhờ đó giảm được áp lực tăng dân số cơ học, cơ bản giải quyết được ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, từ đó phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn. Ông Nguyễn Văn Chương (xã Phú Cường, huyện Ba Vì): Khu vực nông thôn được đầu tư mạnh Trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã chú trọng đầu tư phát triển khu vực nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp một cách toàn diện. Bộ mặt nông thôn thay đổi tích cực, khởi sắc từng ngày. Hệ thống giao thông, trường học, điện, trạm y tế được xây dựng mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Để thực hiện tốt chương trình nông thôn mới theo 19 tiêu chí do Chính phủ quy định, bà con nông dân rất mong Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và các cấp, ngành quan tâm hơn nữa, đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ sản xuất, đời sống văn hóa xã hội, nâng cao thu nhập người dân. Nhóm PV Bạn đọc |