Bài cuối: Tăng tốc, về đích
Chính trị - Ngày đăng : 05:59, 25/07/2013
Trong nửa đầu nhiệm kỳ, với tinh thần "gương mẫu đi đầu", thành phố của chúng ta đã có sự đổi thay tích cực trên mọi lĩnh vực, tạo tiền đề để tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu, xứng với vị thế đầu tàu của cả nước.
Đạt kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực
Kế thừa các chương trình công tác từ nhiệm kỳ trước, đồng thời căn cứ tình hình Thủ đô sau mở rộng, Hà Nội đã lựa chọn những vấn đề cần kíp nhất để triển khai thực hiện. Qua hơn hai năm thực hiện 9 chương trình công tác của Thành ủy khóa XV có thể khẳng định, kết quả đạt được là khá toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và ngành có trình độ công nghệ cao được Hà Nội tập trung phát triển trong thời gian qua. Ảnh: Bá Hoạt |
Trước tiên, chúng ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng; năng lực quản lý, điều hành của chính quyền; chất lượng hoạt động của các đoàn thể, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Thông qua thực hiện chương trình "xương sống" số 01, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tập trung khắc phục những điểm yếu, hạn chế, tạo chuyển biến. Cùng với cải cách hành chính, công tác cán bộ - khâu đột phá trong nhiệm kỳ này có nhiều cách làm sáng tạo, giải quyết được những bất cập. Thông qua việc điều động, luân chuyển hơn 100 lượt cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý về làm bí thư, phó bí thư; giới thiệu để HĐND bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Hà Nội đã giải quyết bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả, đồng thời "tăng lực" cho cơ sở. Cùng với đó, việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" góp phần quy định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân gắn với đổi mới công tác đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Một lĩnh vực khó là công tác phát triển đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nửa nhiệm kỳ đầu đã có chuyển biến nhờ Thành ủy ban hành một nghị quyết chuyên đề.
Nếu khâu then chốt "xây dựng Đảng" được chú trọng thực hiện thì "phát triển kinh tế" - nhiệm vụ trọng tâm trong nửa nhiệm kỳ qua cũng tiếp tục tạo dấu ấn. Tăng hàm lượng "chất xám" cho nền kinh tế Thủ đô - tâm điểm của Chương trình số 03-CTr/TU về "Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh, bền vững" đã được cụ thể hóa. Theo đó, trong tổng số 49 chương trình, đề án nhánh, UBND TP Hà Nội trực tiếp chỉ đạo 31 đề án, chương trình tập trung vào việc tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tiết kiệm năng lượng… Thế mạnh sẵn có được tận dụng, mặt khác, Hà Nội tập trung phát huy lợi thế so sánh cho phát triển dịch vụ ngân hàng, các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và ngành có trình độ công nghệ cao. Đến nay, số sản phẩm công nghệ chủ lực của Hà Nội lên tới 57 sản phẩm (của 48 doanh nghiệp). Năm 2012, TP Hà Nội đã đóng góp 10,06% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu; 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp; 23,5% vốn đầu tư phát triển; 19,73% thu ngân sách và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước. Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc và ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Có tiềm lực kinh tế, Hà Nội có điều kiện chăm lo cho hơn 63% người dân ngoại thành. Riêng hơn hai năm thực hiện Chương trình số 02, tổng kinh phí Hà Nội đầu tư xây dựng nông thôn mới lên tới hơn 9.965 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6-2013, có 236/401 xã đạt và cơ bản đạt 10-19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các huyện đã dồn điền đổi thửa được 35.178ha, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân lên 1,98 triệu đồng/người/tháng.
Với lĩnh vực văn hóa - xã hội, thông qua Chương trình số 04, các phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh"… có sự đổi thay về chất. Công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội được triển khai tích cực. Giá trị văn hóa truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài ngày càng được phát huy. Hà Nội còn đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ nhân lực đa dạng, được đào tạo bài bản. Hiện nay, 88% cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan hành chính của TP có trình độ đại học trở lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Tháng 7-2011, khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều chương trình nhằm hoàn thành quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch chuyên ngành, các đề án, kế hoạch dài hạn 5 năm và hằng năm, làm cơ sở để lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Thành phố quyết định chọn năm 2012 là "Năm quy hoạch". Đến nay, thành phố đã tổ chức thẩm định 18/32 đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện, thị xã, thị trấn và các đô thị vệ tinh, dự kiến sẽ phê duyệt trong năm 2013; đã phê duyệt 10/31 quy hoạch phân khu, 7 đồ án phân khu khác đang được xem xét; 28/39 đồ án quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được thành phố phê duyệt… Đây là cơ sở quan trọng để các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình số 07 "Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cấp chất lượng môi trường", nhằm cải thiện cuộc sống của người dân. Hơn hai năm qua cũng ghi nhận sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô cùng chung tay giữ gìn trật tự an toàn xã hội, cho Hà Nội luôn luôn là một điểm đến an toàn.
Cộng đồng trách nhiệm
Bên cạnh những thành tựu đáng trân trọng, nghiêm túc nhìn nhận thì việc thực hiện 9 chương trình công tác của Thành ủy ở nửa nhiệm kỳ đầu vẫn còn những hạn chế. Dù duy trì tốc độ tăng trưởng khá, song kinh tế Thủ đô vẫn bộc lộ những yếu tố thiếu bền vững; thu hút vốn đầu tư nước ngoài, huy động vốn trong nước chưa xứng với tiềm năng, lợi thế; đầu tư công còn dàn trải, nhiều dự án trọng điểm triển khai chậm. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai còn hạn chế. Kết quả xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa như mong muốn; khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn còn lớn. Thủ tục hành chính còn chưa thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận công chức còn hạn chế. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị vẫn còn bất cập…
Một phần do khối lượng công việc phải giải quyết nhiều, tình hình kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, tuy nhiên đi sâu phân tích nguyên nhân chủ quan thì con người chính là yếu tố quyết định đến chất lượng công việc. Mổ xẻ những hạn chế, yếu kém của ngành, địa phương, đơn vị chủ yếu vẫn do công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, thiếu năng động; sự phối hợp giữa ngành, cấp chưa đồng bộ; năng lực trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Phân tích nguyên nhân chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 của Hà Nội đạt thấp (xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố), một phần do khối lượng công việc luôn quá tải, trong đó nhiều việc mới, việc khó; hệ thống văn bản, cơ chế, chính sách nhiều, luôn thay đổi, một phần do một bộ phận cán bộ thiếu rèn luyện, tu dưỡng, lợi dụng vị trí, quyền hạn được giao, có biểu hiện sách nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn trong giải quyết TTHC để trục lợi...
Dẫu biết, mỗi công việc, lĩnh vực công tác có những đặc thù, thuận lợi, khó khăn khác nhau, song nếu như cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đều chủ động xây dựng mối đoàn kết thống nhất; kiên quyết, sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện sẽ tạo nên sức mạnh để thực hiện thành công. Đặc biệt, nếu như đội ngũ cán bộ từ người đứng đầu đến cán bộ phụ trách từng bộ phận đều gương mẫu, trách nhiệm thì tin tưởng rằng nửa nhiệm kỳ còn lại sẽ là thời gian tăng tốc về đích, thực hiện đạt và vượt những mục tiêu, nhiệm vụ 9 chương trình công tác, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho Thủ đô phát triển.