Chúng ta còn nợ các anh
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:56, 25/07/2013
Một trăm triệu đồng do Tập đoàn VinGroup thông qua Quỹ Trái tim nhân ái, Báo Hànộimới dành tặng 20 gia đình chính sách là lời tri ân, một nén nhang tưởng nhớ đến những người hy sinh vì độc lập dân tộc. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cầu Giấy Nguyễn Thế Toàn xúc động nói: "Sống trong hòa bình hôm nay, độc lập tự do hôm nay, chúng ta còn nợ các anh rất nhiều...".
Đại diện Quỹ Trái tim nhân ái Báo HàNộimới cùng lãnh đạo huyện Sóc Sơn thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Duyệt. |
1. Chiều 22-7, trời Hà Nội bỗng mưa như trút nước nhưng đoàn cán bộ phóng viên Báo Hànộimới vẫn đội mưa đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn quận Ba Đình và Cầu Giấy. Trong không khí ấm áp, xúc động trước tình cảm thắm đượm, thương binh hạng 3/4 Lê Văn Việt, ở phòng 104B, D2, khu tập thể Thành Công, phường Thành Công bồi hồi nhớ lại. Ngày ấy, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 2-1968 ông cùng hàng vạn thanh niên Thủ đô lên đường nhập ngũ và được biên chế về Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Tham gia chiến trường Sài Gòn - Gia Định, những anh bộ đội Cụ Hồ đã dũng cảm chiến đấu giành giật từng tấc đất, từng ụ công sự. "Đạn pháo, máy bay địch đánh phá ác liệt lắm, nếu không dựa vào địa đạo chắc không sống nổi anh ạ!" - ông Việt ngậm ngùi. Bởi đã có biết bao đồng đội của ông ngã xuống dưới làn đạn quân thù. Đau xót hơn, nhiều đồng đội dũng cảm hy sinh mà thi thể không còn nguyên vẹn, không tìm thấy xác. Một số khác bị kẻ thù cướp được xác, đưa về Sài Gòn treo giữa chợ nhằm uy hiếp tinh thần đấu tranh của những người chiến sĩ cộng sản. Thế nhưng, hành động dã man của kẻ thù càng gieo thêm những mầm hạt căm thù trong lòng ông cùng những người đồng đội, đồng chí.
Năm 1972, trong một trận chiến khốc liệt, ông Việt bị thương. Ông bảo, cũng không biết là đạn pháo hay mảnh bom nữa. Chỉ biết là những mảnh kim loại đã găm khắp cơ thể ông. Ông bị chấn thương sọ não và phải đưa về tuyến sau điều trị và được đưa ra Bắc sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết năm 1973. Và cũng đến lúc đó, ông mới được phẫu thuật gắp những mảnh đạn ra khỏi cơ thể. Nhưng ác thay, mảnh đạn nhiều quá, không thể lấy ra hết nên mỗi khi trái gió trở trời, ông lại vật vã chống chọi với những cơn đau hành hạ mang về sau cuộc chiến.
Trở về quê hương, năm 1980 ông Việt lấy vợ và sinh được hai người con trai. Người vợ dù tảo tần sớm hôm cũng không thể thay chồng gánh vác công việc gia đình. Chính vì vậy, dù được chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, nhưng cuộc sống của người thương binh nặng vẫn còn quá nhiều những lo toan, vất vả. Ông Nguyễn Phong Cầm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng chia sẻ, hiện tại, phường Thành Công có hơn 300 gia đình chính sách. Nếu như tính toàn quận thì có tới hơn 3.000 gia đình có công với cách mạng, trong đó gần 2.000 thương bệnh binh và 100 thương binh nặng đang được chăm sóc đặc biệt. Thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, những năm qua, quận Ba Đình vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động tri ân, quan tâm, chăm sóc các gia đình chính sách. Toàn quận không còn hộ gia đình chính sách nghèo. Rồi cứ mỗi độ vào dịp tháng 7, ngày lễ tết… lãnh đạo quận lại tới từng gia đình thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình chính sách, thắp nén hương ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc.
2. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lan (xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn) năm nay đã 92 tuổi nhưng còn minh mẫn lắm. Mẹ ở cùng với cô con dâu từ ngày anh con trai Nguyễn Xuân Quý lên đường nhập ngũ, khi ấy anh Quý vừa tròn 18 tuổi. Tiễn con lên đường, mẹ đau nhói lòng gạt nước mắt mong ngày đất nước thống nhất. Mẹ kể, cũng như bao cô gái khác, mẹ lấy chồng từ rất sớm, khi ấy giặc Pháp còn chiếm đóng khắp nơi. Chồng của mẹ, cụ Nguyễn Văn Phòng nối tiếp truyền thống cách mạng quê hương đã tham gia kháng chiến chống Pháp. Tháng 9 năm 1951, như tiếng sét ngang tai khi mẹ nhận tin cụ Phòng đã hy sinh khi chống lại những trận càn quét điên cuồng của quân xâm lược. Lúc đó anh Quý chưa đầy 1 tuổi.
Gạt bỏ nỗi đau mất chồng, mẹ tần tảo nuôi con khôn lớn những mong có chỗ dựa tinh thần và thay cha gánh gác việc gia đình. Ấy thế mà chưa hết giặc Pháp, đế quốc Mỹ lại bắt người con duy nhất của mẹ cùng biết bao lớp thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc. Rồi lại thêm một lần nữa, mẹ phải đối diện với sự thật phũ phàng, anh Quý đã hy sinh khi chiến đấu tại chiến trường miền Nam ngày 1-3-1968! Mẹ buồn, lòng quặn đau như cắt từng khúc ruột. Nhưng mẹ đã không gục ngã. Mẹ đã đứng vững để trở thành chỗ dựa cho người con dâu cùng đứa cháu nội chưa đầy 1 tuổi. Thời gian thấm thoắt trôi đi, ấy thế mà cũng đã gần 45 năm từ ngày mẹ nhận tin mất con. Giờ, mẹ đã già lắm rồi, tai không còn nghe rõ nữa. Lòng mẹ cũng đã ấm lại vui vầy với con, với cháu. Mẹ bảo, giờ thì mẹ vui rồi. Vui vì đất nước được hòa bình độc lập. Vui vì mẹ có rất nhiều con, nhiều cháu vẫn thường xuyên ghé thăm và cho quà dù đó không phải là những đứa con mẹ dứt ruột sinh ra. Ông Nguyễn Văn Nguyệt, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cũng chia sẻ: "Huyện Sóc Sơn có hơn 100 Mẹ VNAH nhưng giờ chỉ còn có 4 mẹ. Thế nên, các mẹ luôn được huyện cùng các tổ chức đoàn thể quan tâm, chăm sóc". Thay lời cám ơn, ông Nguyệt cũng xúc động ghi nhận tấm lòng, ghi nhận việc làm thiết thực đầy ý nghĩa của Tập đoàn VinGroup cùng Quỹ Trái tim nhân ái, Báo Hànộimới đối với những gia đình chính sách trên địa bàn huyện đã quan tâm, động viên và tri ân với những người có công với nước trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Rời nhà mẹ Lan, chúng tôi tới thăm mẹ Vũ Thị Duyệt, cũng ở thôn Xuân Giang. Năm nay, mẹ Duyệt đã bước sang tuổi 102 và cũng đã yếu lắm rồi. Ông Đỗ Bá Chủ, con trai của mẹ cũng là một cựu chiến binh trở về sau chiến tranh. Nhưng ông còn may mắn hơn 3 người em của mình là Đỗ Bá Tý, Đỗ Bá Chú và Đỗ Bá Tư. Cả ba anh đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường mà đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Thắp nén nhang cho các em, ông Chủ ngậm ngùi: Năm 1966, ông tái ngũ lên đường vào chiến trường. Sau ông, các em của ông cũng lần lượt lên đường để lại mẹ già ở nhà với biết bao thấp thỏm, lo âu. Và nỗi đau quặn thắt lòng mẹ khi tháng 10-1969, mẹ nhận liền một lúc hai hung tin là anh Đỗ Bá Tý và anh Đỗ Bá Tư đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Nỗi đau chưa vơi, năm 1972, mẹ lại nhận thêm tin người con thứ là Đỗ Bá Chú cũng mãi mãi không trở về. Nước mắt cạn khô vì khóc thương, mẹ Duyệt như chết đi rồi sống lại. Nhưng rồi được nhìn thấy đất nước hòa bình, thống nhất, lòng mẹ nhẹ nhõm hơn và cảm thấy tự hào khi những người con của mẹ hy sinh vì đất nước, vì độc lập dân tộc.
3. Hơn 100 triệu đồng dành tặng các gia đình chính sách từ Tập đoàn VinGroup thông qua Quỹ Trái tim nhân ái của Báo Hànộimới chưa phải là nhiều nhưng đó là sự quan tâm, tri ân với những người đã cống hiến cho Tổ quốc, cho dân tộc Việt. Nói như Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán thì đây chỉ là một đốm lửa nhỏ mà toàn Đảng, toàn dân và các tổ chức chính trị xã hội, những doanh nghiệp thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn. Đây sẽ không phải là việc làm trong ngày một ngày hai mà là việc làm thường xuyên, liên tục. Việc đền đáp chẳng thấm gì với những cống hiến, hy sinh cao cả của các thương binh, bệnh binh, của những Mẹ VNAH như mẹ Duyệt, mẹ Lan.
Nói về hoạt động đền ơn đáp nghĩa, ông Nguyễn Thế Toàn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cầu Giấy nói: "Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, chăm sóc người có công với cách mạng, gia đình chính sách. Thế nhưng với hơn 110 nghìn gia đình chính sách trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay vẫn rất cần sự chung tay, sẻ chia của các tổ chức, đoàn thể xã hội mà Báo Hànộimới, Tập đoàn VinGroup là đơn vị điển hình. Sống trong hòa bình hôm nay, độc lập tự do hôm nay, chúng ta còn nợ các anh rất nhiều...".