Đằng sau nỗi đau
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:45, 25/07/2013
Chưa rõ, hay nói đúng hơn là cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về các trường hợp này. Nhưng dù có thế nào thì vẫn có lỗi từ hệ thống y tế. Nỗi đau mất người, chắc chắn ai cũng có thể thấu hiểu, nhưng cảm nhận nỗi đau ấy chắc hẳn chỉ có những người mẹ, người thân của nạn nhân mới có thể thấu.
Dĩ nhiên nỗi đau của người mẹ mất con là không thể bù đắp. Nhưng sau sự việc, nếu chúng ta không thay đổi thái độ, người "có trách nhiệm" không nhận thức đúng, không có tâm đức thì nỗi đau ấy không những không thể nguôi ngoai mà còn là "cơ hội" để nỗi đau khác lại xảy đến.
Những "vết đen" trong bệnh viện không phải bây giờ mới có. Từ lâu lắm rồi, chuyện y đức, chuyện chiếc phong bì, chuyện chất lượng thuốc trong bệnh viện, rồi cả những sơ sảy trong y thuật đã được bàn luận nhiều. Đáng tiếc là có nhiều điểm lỗi như thế lại do chủ quan của con người. Chỉ trong một thời gian ngắn, dư luận liên tiếp "nóng" trước những thông tin chẳng hay từ bệnh viện, đó là một y tá gian lận trong tiêm vắc xin, đó là một hộ lý vô ý làm rơi 5 đứa trẻ còn đỏ hỏn, đó là thông tin thuốc giá "bèo", kém chất lượng tràn vào bệnh viện…
Tất cả những sai sót ấy đâu phải là tự nhiên! Hẳn rằng nếu những người quản lý bệnh viện có tâm đức thì chắc chắn thuốc kém chất lượng đâu có chỗ ở cái nơi vốn là chữa bệnh, cứu người. Và chắc chắn những cái chết oan uổng của trẻ sơ sinh vì tiêm vắc xin sẽ được giảm bớt nếu việc ấy có cơ chế chặt chẽ, quản lý nghiêm túc. Ngành y tế vẫn hô hào quyết tâm "nói không với phong bì", nhưng thật trớ trêu là "phong bì" cũng chỉ là một cách để một số bác sỹ, y tá cảm thấy mình "nên có trách nhiệm" với bệnh nhân. Tất nhiên, có nhiều sơ suất chết người của bác sỹ cũng không phải vì đồng tiền, nhưng thay vào đó lại là vì sự tắc trách, non kém tay nghề, thiếu trách nhiệm, hay thờ ơ với tính mệnh của người khác.
Sau những "sự cố", dẫu nhiều cán bộ y tế đã bị kỷ luật, chẳng hạn như vụ "ăn bớt vắc xin" xảy ra mới đây ở Hà Nội, nhưng cảm nhận rõ nét là thái độ sau các vụ việc, sự thay đổi trong ý thức của những người có trách nhiệm dường như vẫn rất ít chuyển biến. Chỉ riêng các sự cố trong tiêm vắc xin cho trẻ cũng vẫn để lại bao nỗi băn khoăn, chưa có lời giải đáp cụ thể trong người dân. Quy trình cụ thể ra sao, chất lượng vắc xin như thế nào, ai chịu trách nhiệm giám sát khi người dân vẫn có thể tiêm ở bất cứ đâu, ở bệnh viện, phòng khám hay nhà riêng cán bộ y tế… Tất cả đều vẫn như "hỏa mù". Sau mỗi sự cố, vẫn là đủ các loại thông tin, kẻ nói ngược, người bảo xuôi để rồi thời gian lại khỏa lấp đi phần nào trách nhiệm, những tồn tại không được xử lý thấu đáo, để rồi những nỗi đau đáng tiếc lại tiếp diễn.
Tai biến trong y học hay sơ suất của một cá nhân con người là điều vẫn có thể xảy ra. Nhưng việc thuốc kém chất lượng lại nghiễm nhiên tồn tại hợp pháp trong bệnh viện không phải là nỗi hổ thẹn với các lương y lắm sao? Những sơ suất cướp đi sinh mạng người khác không làm các y, bác sỹ day dứt chút nào?
Xin hãy nhớ, đằng sau nỗi đau của những người mẹ mất con nói trên là trách nhiệm không thể chối bỏ của những người làm thầy thuốc!