Dùng phóng xạ nội y trong điều trị ung thư gan

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:05, 24/07/2013

(HNMO) – Nguồn xạ sẽ được đưa vào từ đường tĩnh mạch ở háng để đến tĩnh mạch gan nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, kéo dài thời gian sống cho người bệnh.


Tại Hội nghị phẫu thuật Châu Á lần thứ 19 được tổ chức tại Singapore, phóng viên Hànộimới điện tử đã có dịp phỏng vấn Giáo sư Pierce Chow Kah Hoe, chuyên gia phẫu thuật gan mật và là giảng viên ĐH Duke - NUS, Singapore về phương pháp điều trị ung thư gan mới này.

Theo giáo sư Chow, hiện một số nước, vùng lãnh thổ như Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông... đã đưa vào áp dụng phương pháp trên để điều trị ung thư gan.

Trước đây, ung thư gan thường được coi như một bản án tử hình. Nếu ai đó được chẩn đoán bị ung thư gan thì họ chỉ còn biết sống trong tuyệt vọng. Tuy nhiên, hiện nay, y học đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này và đã có phương pháp điều trị hiện đại, mang đến hy vọng cho những người bị ung thư gan.

Phương pháp phóng xạ nội y - đưa nguồn xạ vào từ đường tĩnh mạch ở háng để đến tĩnh mạch gan nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, có thể giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.Phương pháp này áp dụng cho những trường hợp ung thư còn khu trú ở gan (chưa di căn), những bệnh nhân không thể phẫu thuật được.

Nói rõ hơn về thuyết phóng xạ nội y, Giáo sư Chow cho biết, khoảng 20.000-30.000 khối cầu rất nhỏ chứa yttrium sẽ được đưa vào từ đường tĩnh mạch ở háng để đến tĩnh mạch gan, tìm đường đến các khu vực mà khối u khu trú.



Các khối cầu nhỏ này, mỗi khối có kích thước chỉ bằng khoảng 1/3 đường kính của một sợi tóc, nhắm mục tiêu vào các khối u trong gan và phá hủy nó. Tuy nhiên, thuyết điều trị mới này ảnh hưởng bất lợi đến cả các khối u lẫn những mô lân cận. Vì vậy, phóng xạ từ máy sẽ là "một ý tưởng tồi" cho một người bị ung thư gan mà không chỉ toàn bộ gan, mà cả dạ dày sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót theo phương pháp điều trị mới này cao hơn nhiều so với những phương pháp cũ.

Nếu ung thư gan lan tới những khu vực khác, theo Giáo sư Chow, khi đó, hóa học trị liệu với thuốc sorafenib có thể là câu trả lời.

Để đối phó với những khối u nhỏ khoảng 3cm hoặc nhỏ hơn và không quá 3 khối u như vậy trong gan, Giáo sư Chow đề nghị dùng phương pháp cắt bỏ bằng tần số vô tuyến, cho kết quả tăng tuổi thọ thêm 10 năm với những bệnh nhân này. Các sóng tần số vô tuyến đi qua một thiết bị vào trong khối u làm nhiệt độ tăng lên, giúp phá hủy khối u. Dĩ nhiên, để điều trị đạt kết quả tốt nhất, việc phát hiện khối u càng sớm càng tốt.

Giáo sư Chow cho biết, ung thư gan nguyên phát khởi đầu từ viêm gan siêu vi, trong đó châu Á có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn châu Âu. Còn ung thư gan thứ phát bắt nguồn từ một bệnh ung thư ảnh hưởng đến phần khác của cơ thể và lây lan đến gan. Nhưng tại hầu hết các vùng châu Á, ung thư gan nguyên phát thường phổ biến hơn và cũng gây khó khăn hơn trong điều trị.

Vì vậy, theo Giáo sư Chow, phòng chống viêm gan B sẽ là cách tốt nhất để phòng chống ung thư gan. Trẻ em có thể mắc bệnh từ cha mẹ bị nhiễm bệnh và lối thoát duy nhất trong trường hợp này là tiêm phòng. 

Vân An