Hai năm thực hiện, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có cũng… như không!
Đời sống - Ngày đăng : 07:54, 24/07/2013
Ông Cao Xuân Quảng, Phó trưởng ban điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực này có bốn phương thức là: Thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Trong đó, hòa giải là phương thức được sử dụng rộng rãi nhất, chiếm 80% các vụ giải quyết khiếu nại của NTD. Thế nhưng, kết quả hòa giải nhiều khi không được các bên nghiêm túc thực hiện do giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành công là không cao. Cách giải quyết triệt để nhất là thông qua trọng tài hay tòa án, nhưng NTD lại ít chọn giải quyết qua các kênh này do giá trị vụ việc khiếu nại thường thấp trong khi thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết vụ việc lâu, lệ phí cao.
Khách hàng khiếu nại về chất lượng vàng nữ trang tại Hội Bảo vệ NTD TP Hồ Chí Minh. |
Trong hai năm thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD TP Hồ Chí Minh cho biết, Hội đã tiếp nhận 150 vụ khiếu nại của NTD thuộc nhiều lĩnh vực. Qua thực tế, bà Thu nhận thấy việc khiếu kiện của NTD hiện nay còn gặp nhiều khó khăn vì hiện chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào trực tiếp đứng ra xử lý các trường hợp này. Ngay cả tòa án, cụ thể là tòa án nhân dân các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh cũng chưa áp dụng việc nhận khiếu kiện của NTD theo đúng quy định của luật (được xét xử theo thủ tục đơn giản, miễn tạm ứng án phí, không phải chứng minh bị đơn có lỗi...) khiến NTD chịu thiệt thòi. Cụ thể, như trường hợp khách hàng Đổng Tấn Đạt nộp đơn kiện Công ty CP Xây dựng Nhựt Quang đã nhiều lần trễ hẹn giao nhà nhưng do tòa bắt phải đóng tạm ứng án phí nên phải bỏ ý định kiện vì ngại mất thêm tiền mà không biết kết quả ra sao. Hay như NTD Đỗ Phước Thiên muốn kiện Công ty Dịch vụ bảo vệ an ninh Toàn Cầu về việc nhân viên giữ xe làm mất xe Honda SH của mình nhưng tòa vẫn yêu cầu phải tạm ứng án phí thì mới nhận thụ lý vụ án. Hai trường hợp trên, Hội cũng đã có can thiệp bằng văn bản nhưng không thay đổi được tình hình.
"Trước đây, khi luật chưa có hiệu lực, nếu hòa giải không thành, văn phòng khiếu nại gửi phiếu chuyển đến để Sở Công thương TP Hồ Chí Minh giải quyết nhưng khi luật có hiệu lực thì chỉ còn đường gửi đến tòa án, mà tình hình giải quyết tại tòa lại như trên, thành ra NTD tiếp tục chịu thiệt thòi như trước khi có luật. Điều này trở thành lợi thế cho cá nhân, tổ chức kinh doanh và nếu tình hình tiếp tục kéo dài, quyền lợi của NTD sẽ càng ngày bị vi phạm", bà Thu bức xúc.
Thiếu văn bản hướng dẫn
Tại hội nghị tổng kết hai năm thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, bà Trần Thị Sinh, Chánh văn phòng Hội Bảo vệ NTD tỉnh Bến Tre nêu vụ việc xâm hại quyền lợi NTD điển hình của tiệm bánh mì khiến 173 người bị ngộ độc phải nhập viện. NTD khiếu nại vì mất ngày công lao động và thống kê chi phí chữa trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (một trong các bệnh viện cấp cứu cho bệnh nhân ngộ độc) hết 80 triệu đồng... Thế nhưng, địa phương lại muốn giải quyết theo con đường thương lượng, hòa giải khiến các nạn nhân vô cùng bức xúc kéo đến Hội để nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, các nạn nhân lại không muốn ra tòa nên Hội cũng chưa biết giải quyết cách nào.
Về vụ việc cụ thể này, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định, đây là vụ điển hình, cần phải được giải quyết bằng con đường tòa án. "Phương thức thương lượng, hòa giải chỉ thực hiện trong các trường hợp NTD vi phạm quyền lợi đơn lẻ", ông Nam giải thích thêm.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh lý giải nguyên nhân "vô hiệu" của luật là do thiếu hướng dẫn. Khoản 2, Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định các vụ án khởi kiện dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD giải quyết theo thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, đến nay Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan chưa ban hành bất kỳ văn bản nào hướng dẫn làm rõ các vấn đề như thủ tục đơn giản thì giải quyết trong bao nhiêu ngày, bao gồm những bước gì, thành phần hội đồng xét xử ra sao... nên tòa án nhân dân các cấp chưa thực hiện được.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, bên cạnh các vướng mắc về pháp lý thì tình trạng ngại ra tòa một phần cũng do tâm lý ngại kiện cáo của người dân. Dân gian ta từ xưa đã có câu "vô phúc đáo tụng đình" nên khi quyền lợi của mình bị xâm phạm họ thường chọn cách im lặng, chỉ những trường hợp bức xúc quá mới đi khiếu nại. Trong khi đó ở nước ngoài, khi quyền lợi bị ảnh hưởng là họ lập tức khởi kiện ngay, như năm 1996, hãng Nike bị NTD tẩy chay sau khi sản phẩm bị phát hiện hãng sử dụng lao động trẻ em. Tại Ấn Độ, NTD đã biểu tình phản đối Tập đoàn Coca Cola làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm… Luật sư Hậu cho rằng, đã đến lúc NTD thay đổi thói quen ngại kiện tụng để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình.