Nhu cầu lớn, khả năng đáp ứng thấp
Xã hội - Ngày đăng : 06:04, 24/07/2013
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết: Từ năm 2005 đến nay, quận đã triển khai gần 100 dự án liên quan đến thu hồi đất với khoảng 1.500ha đất nông nghiệp, kéo theo số lao động cần GQVL tăng cao, chủ yếu tập trung vào đối tượng nhiều tuổi, trình độ học vấn hạn chế, khó có khả năng học nghề để đáp ứng được nhu cầu lao động kỹ thuật chất lượng cao… Trên địa bàn quận còn nhiều phường có tỷ lệ hộ nghèo cao như Biên Giang 2,77%, Yên Nghĩa 3,53%, Đồng Mai 3,67%... Quận xác định việc đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm tình trạng thất nghiệp, ổn định đời sống cho người lao động là trách nhiệm của chính quyền các cấp.
Một hộ sản xuất chổi chít từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm ở phường Phú Lương. |
Bà Đỗ Thị Năm, Chủ tịch Hội Nông dân quận cho biết, Hà Đông hiện còn hơn 1.200ha đất nông nghiệp trong khi số người sống bằng nghề nông chiếm khoảng 45% dân số. Nguồn vốn vay GQVL đã giúp nhiều người, nhiều gia đình thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ổn định… Điển hình như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lệ, phường Phú Lãm là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn GQVL nay đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định; ông Nguyễn Văn Hùng (làng nghề Đa Sỹ) được vay 140 triệu đồng để đầu tư sản xuất các sản phẩm rèn chất lượng cao đã thu hút và giải quyết việc làm cho 13 lao động; ông Lê Đình Tiếp, phường Đồng Mai được vay 150 triệu đồng phát triển trang trại trồng cam Canh, bưởi Diễn đã tạo việc làm cho 15 lao động… Hiện tổng nguồn vốn cho vay GQVL cho các đối tượng trên địa bàn quận là hơn 45 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, hằng năm, NHCSXH quận đã triển khai cho vay tới trên 100 hộ nghèo và khoảng 700 hộ gia đình liên quan đến thu hồi đất nông nghiệp vay.
Hiệu quả của nguồn vốn vay GQVL đã rõ, tuy nhiên việc sử dụng nguồn vốn này đến nay vẫn còn những mặt hạn chế. Chị Phạm Thị Liên là cán bộ tín dụng NHCSXH quận Hà Đông cho biết: Hằng năm, mức tăng trưởng của nguồn vốn GQVL từ ngân sách bổ sung cũng đều tăng nhưng so với nhu cầu thì con số này còn quá khiêm tốn. Chỉ tính riêng năm 2012, toàn quận cần đáp ứng nhu cầu vay vốn GQVL cho 157 hộ nghèo, 285 hộ cận nghèo, 900 hộ ở các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 2.940 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, 1.112 hộ kinh doanh cá thể, 94 doanh nghiệp vừa và nhỏ... song, đồng vốn mới chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu. Nhiều hộ có nhu cầu vay để tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh đều phải chờ từ 5 tháng trở lên.
Theo Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 5-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay GQVL, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa 500 triệu đồng/dự án và hộ gia đình là 20 triệu đồng/hộ. Đến thời điểm này, số cơ sở được vay 500 triệu đồng ở Hà Đông chiếm tỷ lệ rất thấp, phổ biến vẫn là mức vay vài chục triệu đồng cho đối tượng là các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình. Để chương trình cho vay GQVL hoạt động hiệu quả hơn, việc tìm lời giải cho bài toán bổ sung nguồn vốn vay hằng năm rất cần được NHCSXH và chính quyền địa phương quan tâm, xem xét.