Năm học 2012-2013: Chuyển biến cả về lượng và chất
Giáo dục - Ngày đăng : 06:01, 24/07/2013
Giờ học của cô và bé Trường Mầm non Họa Mi (quận Ba Đình). Ảnh: Bảo Lâm |
Năm học 2012-2013, kết quả chung của các cấp học cho thấy có sự chuyển biến khá rõ về mọi mặt. Mạng lưới cơ sở giáo dục tiếp tục được quan tâm mở rộng ở cả ba cấp, trong đó tăng mạnh nhất là ở cấp học mầm non với hơn 400 trường và có hơn 86 nghìn phòng học được xây mới, tạo điều kiện để thầy, trò dạy - học tốt hơn. Năm qua cũng đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của cấp học mầm non khi tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở cả độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo đều tăng so với năm học trước, trong đó, trẻ độ tuổi mẫu giáo ra lớp đã đạt gần 87%, tăng hơn 2%.
Ở cấp học phổ thông, việc kiên trì đổi mới trong kiểm tra, đánh giá đã tạo động lực cho việc đổi mới phương pháp dạy - học, hạn chế dần các biểu hiện thành tích trong giáo dục. Việc ra đề thi theo hướng mở và gắn với các vấn đề thời sự của đất nước đã góp phần làm giảm tình trạng "học tủ", học thuộc lòng của HS; khích lệ các em thể hiện khả năng tổng hợp kiến thức và bày tỏ chính kiến… Sự thay đổi trong cách ra đề thi dẫn đến những thay đổi trong cách dạy, cách học ở các nhà trường và đã nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay dù thấp hơn năm ngoái 1,45% song lại tạo được nhiều sự kỳ vọng cho xã hội về sự khởi đầu của một nền giáo dục thực chất. Tỷ lệ HS xếp loại học lực khá, giỏi ở cấp THCS và THPT vẫn giữ ổn định ở mức trên dưới 50%. Kết quả các kỳ thi HS giỏi trong nước và quốc tế có chiều hướng tiến bộ, trong đó tỷ lệ HS đoạt giải quốc gia tăng 0,28% so với năm 2012; đội tuyển dự thi Olympic khu vực Châu Á và quốc tế các môn lý, tin, sinh… đều giành huy chương. Đây cũng là năm học đánh dấu sự hưởng ứng tích cực của các nhà trường trong việc tạo ra nhiều sân chơi trí tuệ như thi giải toán, tiếng Anh, thi khoa học kỹ thuật… giúp HS vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, góp phần vào sự phát triển toàn diện của các em.
Việc lồng ghép, tích hợp nội dung các cuộc vận động, phong trào thi đua vào các hoạt động thường xuyên ở các nhà trường đã có tác động tích cực đến ý thức, trách nhiệm của cả thầy và trò trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, trong năm vừa qua, các vụ việc vi phạm pháp luật, đạo đức của HS đã giảm. Phong trào thi đua xây dựng "Trường học thân thiện, HS tích cực" được phát động từ năm 2008 đã đem lại luồng sinh khí mới cho các nhà trường, tạo nên môi trường sư phạm an toàn, thân thiện và góp phần trang bị kỹ năng sống cho HS - điều mà trước kia các nhà trường ít để tâm tới. Thông qua việc nhận chăm sóc hơn 7 nghìn di tích lịch sử - văn hóa và phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ… HS đã biết sống có trách nhiệm hơn. Tham gia quyên góp, hỗ trợ giáo dục vùng khó; thực hiện cuộc vận động "3 đủ" (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở)… do Bộ GD-ĐT triển khai trong toàn ngành, nhận thức và hành vi của HS đã có những thay đổi, biết tiết kiệm tiền quà sáng để dành cho bạn nghèo, biết rung động, sẻ chia với những hoàn cảnh đáng thương…
Cũng trong năm học này, nhiều địa phương đã hoàn thành, đưa vào giảng dạy nội dung giáo dục địa phương các môn văn, sử, địa… nhằm khơi dậy lòng tự hào, giáo dục ý thức, trách nhiệm của thế hệ tương lai với việc xây dựng quê hương, đất nước, trong đó điển hình là Hà Nội với bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS". Đây là đơn vị đầu tiên và duy nhất cho đến nay biên soạn được bộ tài liệu rất đặc trưng này và được Bộ GD-ĐT đặt nhiều kỳ vọng trong việc tạo thêm "kênh" giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả cho HS ở các nhà trường trong năm học tới.
- Năm học 2012-2013, cả nước có hơn 42 nghìn trường học mầm non và phổ thông, tăng hơn 500 trường so với năm học trước. - Tổng số HS các cấp học là gần 19 triệu, trong đó cấp tiểu học chiếm số lượng nhiều nhất với 7,2 triệu HS - tăng hơn 1 trăm nghìn HS so với năm trước. - Tỷ lệ HS THCS và THPT xếp loại hạnh kiểm khá, tốt đạt trên 93%. - Để chuẩn bị cho năm học mới 2013-2014, các nhà trường đang được xây dựng bổ sung hơn 6 nghìn phòng học và gần 500 nhà ở công vụ cho giáo viên. |