Bịt chỗ nọ, phình chỗ kia
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:34, 24/07/2013
Cụ thể, nếu lượng thuốc mua trong một năm có kinh phí từ 200 triệu đồng trở lên đối với cơ sở y tế công lập trung ương, từ 100 triệu đồng trở lên đối với tuyến tỉnh hoặc từ 50 triệu đồng trở lên đối với tuyến huyện đều phải tổ chức đấu thầu.
Thực hiện việc đấu thầu thuốc từ năm 2006, người bệnh chưa kịp mừng vì được sử dụng thuốc với giá hợp lý, xã hội chưa kịp ghi nhận hiệu quả thì nhiều bất cập trong các quy định về đấu thầu thuốc đã bộc lộ. Làm sao chấm dứt tình trạng giá thuốc trúng thầu mỗi nơi một kiểu? Bao giờ có thuốc chất lượng, giá hợp lý để bớt gánh nặng cho bệnh nhân nghèo?... Đây là những vấn đề đã được Bộ Y tế và nhiều địa phương đưa ra biện pháp khắc phục như bỏ đấu thầu đơn lẻ, đấu thầu tập trung; đấu thầu cung ứng thuốc theo từng nhóm chuyên khoa, từng cụm bệnh viện; thành lập các trung tâm phân phối thuốc vào bệnh viện không lợi nhuận; quy định và quản lý thặng số bán buôn tối đa toàn chặng từ đầu vào đến đầu ra...
Giữa năm 2012, liên bộ Y tế và Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn đấu thầu mua thuốc của các cơ sở y tế và Thông tư 11/2012/TT-BYT hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc. Một năm thực hiện đấu thầu theo quy định mới, theo khảo sát của ngành chức năng thì đã tiết kiệm 20%-30% chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế. Đến nay có gần 30 tỉnh, thành phố đã và đang tổ chức đấu thầu mua thuốc theo hướng dẫn mới. So sánh giá của 10 mặt hàng thuốc trúng thầu tại một số sở y tế năm 2012 (theo quy định cũ) và năm 2013 (theo quy định mới) thì giá đã giảm từ 5,6% đến 34,64%...
Lợi là như thế nhưng với người bệnh và dư luận xã hội lại xuất hiện một nỗi lo mới, đó là thuốc giá rẻ liệu có bảo đảm chất lượng? Ông Lê Thanh Sử, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm 3-2 cho rằng: "Công ty sử dụng nguyên liệu tốt, cho chất lượng thuốc tốt thì không thể cho giá rẻ. Nhà máy đầu tư tốt cũng chi phí nhiều mà đòi hỏi giá trúng thầu thấp thì chưa hợp lý". PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) phân tích: "Thuốc không có uy tín về chất lượng thì cạnh tranh về giá, thuốc đắt tiền lại lấy chất lượng làm trọng nên bệnh nhân khó tiếp cận thuốc tốt. Trong khi tính mạng người bệnh thì không phải lúc nào cũng được bảo đảm bằng sản phẩm giá rẻ". Phó Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TP Hồ Chí Minh - TS Huỳnh Hiền Trung nhận định, các công ty dược có đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao sẽ thua thiệt khi giá thuốc cao hơn những công ty có kỹ thuật sản xuất đơn giản. Phó giám đốc một sở y tế địa phương lại cảnh báo: "Chính vì thuốc giá rẻ sẽ được chấm thầu nên thời gian qua đã có nhiều DN sản xuất đã chuyển qua mua nguyên liệu từ Trung Quốc thay vì nguyên liệu của Châu Âu giá đắt hơn gấp 10 lần"…
Các ý kiến trên là rất đáng lưu tâm khi khảo sát thuốc trúng thầu vào bệnh viện của 9 tỉnh, thành trong tháng 6 vừa qua, thì Ấn Độ đang dẫn đầu về thuốc ngoại trúng thầu, còn Trung Quốc lần đầu tiên đứng ở hàng thứ 5. Lo ngại là vì trong số 137 thuốc bị đề nghị thu hồi do vi phạm chất lượng trên thị trường kể từ đầu năm 2011 đến ngày 15-7-2013 của Cục Quản lý dược thì 56 loại thuốc có xuất xứ từ Ấn Độ; trong 107 cơ sở sản xuất có thuốc vi phạm về chất lượng thì 5 đơn vị sản xuất của Ấn Độ có số vi phạm 3 - 4 lần…
Vậy là cứ bịt chỗ nọ lại phình chỗ kia. Cung cách quản lý kiểu "giải pháp tình thế" của cơ quan chức năng như thế thì bao giờ mới giải quyết được tận gốc vấn đề? Bao giờ người bệnh có thể yên tâm uống thuốc và trả tiền mua với chuẩn giá trị của loại thuốc sử dụng?