Muốn phát triển phải dựa vào lớp trẻ
Văn hóa - Ngày đăng : 07:01, 23/07/2013
Phát triển nghệ thuật ca trù cần đào tạo từ lớp trẻ.Ảnh: Ngọc Thắng |
- Thưa nghệ nhân, tại sao hoạt động ca trù của trung tâm cần tổ chức thành CLB với ban chủ nhiệm riêng?
- Thực tế, các thành viên CLB Ca trù đã hoạt động từ khi Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam ra đời (năm 2005) cùng với các bộ môn truyền thống khác như hát văn, hát xẩm, hát trống quân, quan họ, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ... với nhiều hình thức biểu diễn, đào tạo, sưu tầm, nghiên cứu hiệu quả. Năm 2010, trung tâm được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo nghệ thuật ca trù thuộc chuyên ngành ca nhạc bậc đại học và trên đại học. Chúng tôi cũng đã kết hợp với Học viện Âm nhạc Huế để đưa ca trù vào đào tạo và năm 2014 sẽ có lứa tốt nghiệp trình độ đại học đầu tiên. Tuy nhiên hoạt động gìn giữ, quảng bá nghệ thuật ca trù vẫn chưa được phổ biến và bài bản nên trung tâm quyết định bầu ban chủ nhiệm để điều hành hoạt động của CLB chuyên nghiệp hơn.
- Hiện CLB có bao nhiêu thành viên và điểm mạnh của CLB là gì, thưa nghệ nhân?
- CLB có 12 thành viên với đầy đủ kép đàn, trống chầu. Họ đều là những người tâm huyết và theo đuổi hết mình vì môn nghệ thuật này nhiều năm nay. Các ca nương như tôi, Vân Mai, Thu Uyên ngoài hát còn có khả năng truyền dạy và cũng có kha khá kinh nghiệm. Ngoài các lớp học ở trung tâm, ở Học viện Âm nhạc Huế, chúng tôi đã đi dạy ở Hà Nam, Hải Dương, Phú Thọ...
- Đây gần như là quyết định để CLB có "ghế" chính thức trong Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Liệu hoạt động CLB có khác biệt gì không?
- CLB sẽ hoạt động bài bản, có định hướng, tầm nhìn chiến lược để nghệ thuật ca trù được gìn giữ, truyền bá rộng rãi hơn chứ không "đến đâu hay đến đấy" như trước. Ngoài sinh hoạt, biểu diễn đều đặn hằng tháng, CLB chú trọng hơn đến vấn đề truyền dạy, đặc biệt là cho những người trẻ. Tuy nhiên, mỗi thành viên vẫn xác định "tự thân vận động", nghĩa là trực tiếp đến từng địa phương, phát hiện ca nương, kép đàn và trực tiếp đến tận nơi truyền dạy. Thậm chí nơi nào tìm được một người có tiềm năng chúng tôi cũng dạy. Bởi theo tôi phát triển nghệ thuật ca trù phải ở những người trẻ thì mới dài lâu và bền vững.
- Hơn 20 năm theo đuổi, học tập, biểu diễn, gìn giữ và truyền dạy ca trù, nghệ nhân đánh giá thế nào về sự hiểu biết nghệ thuật này của công chúng?
- Tìm được người hiểu, mê ca trù và kiên trì theo đuổi nghiệp này là rất khó, nhất là những người trẻ. Lâu nay đối tượng tìm đến học ca trù tại trung tâm thường là người đứng tuổi. Hiếm hoi lắm mới có bạn trẻ tìm đến nhưng họ hết lòng và rất say mê. Tôi nghĩ, nếu như được có cơ hội phổ biến nhiều hơn thì sẽ có nhiều người yêu nghệ thuật ca trù. Tôi rất mong môn nghệ thuật này được đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông, dù chỉ là ngoại khóa. Như vậy, hiểu biết về nghệ thuật truyền thống của công chúng được nâng lên rất nhanh.
- Việc thu hút thêm thành viên có được quan tâm không thưa nghệ nhân và đối tượng nào được ưu ái?
- Như tôi đã nói, CLB chú trọng vào việc đào tạo người trẻ tuổi nên đó cũng là đối tượng được ưu ái. Nhưng đây là một tổ chức trực thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam nên để trở thành thành viên CLB thì phải qua sự xét duyệt của các nhà chuyên môn với yêu cầu về trình độ nhất định.
- Xin cảm ơn nghệ nhân!