Truyền thông trong lĩnh vực khoa học công nghệ: Đã đổi nhưng chưa mới
Công nghệ - Ngày đăng : 06:56, 23/07/2013
Không hấp dẫn, khó tiếp nhận
Hoạt động truyền thông đã được xác định rõ vai trò trong việc thúc đẩy nền KH&CN nước nhà, góp phần thúc đẩy thị trường công nghệ, được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng để gắn kết cộng đồng và giới nghiên cứu. Tuy nhiên, ở nước ta, hoạt động này còn nhiều hạn chế. Ngay cả ở các nước có nền KH&CN phát triển mạnh như Nhật Bản cũng có những thời điểm nó không nhận được sự quan tâm mặn mà của người dân. Vào những năm 1990, Nhật Bản đã phải đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao sự hiểu biết của người dân và kết quả là đã thu hút được sự chú ý, đầu tư vào khoa học. Thậm chí, quốc gia này còn đặt ra mục tiêu đưa KH&CN trở thành một hoạt động mang tính văn hóa. Chính phủ Nhật Bản tài trợ rất lớn cho những khóa truyền thông về khoa học tại một số trường đại học. Còn ở Australia, truyền thông được coi là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển KH&CN của nước này. Australia đã xây dựng những trung tâm để các nhà khoa học cùng tới chia sẻ suy nghĩ, trao đổi học thuật và được huấn luyện về truyền thông để có thể chủ động hơn trong việc trao đổi kết nối với báo chí...
Chợ công nghệ là kênh thông tin sâu rộng đến với công chúng. Ảnh: Bá Hoạt |
Ở nước ta, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải, chưa bao giờ truyền thông trong KH&CN được nhấn mạnh như bây giờ. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền hiện nay chưa đồng bộ, rộng khắp, chưa có trọng tâm, còn thiếu cơ chế, kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, giữa Bộ với các địa phương, các tổ chức và các cơ quan thông tin đại chúng. Các phương tiện thông tin đại chúng cả ở cấp trung ương và địa phương đều chưa dành thời lượng cần thiết cho công tác truyền thông về KH&CN; đầu tư cho mảng đề tài này rất hạn hẹp. Bên cạnh đó, thông tin KH&CN không dồi dào, lại phức tạp nên so với những thông tin khác trong đời sống xã hội càng khó hấp dẫn. Hầu hết thông tin KH&CN được biên soạn ở dạng báo cáo khoa học khô khan nên nhìn chung công chúng khó tiếp nhận. Vì vậy, đòi hỏi sự đầy đủ, chuyên sâu và thận trọng trong việc tuyên truyền về KH&CN không hề là một việc dễ dàng.
Điểm yếu này cũng chính là một trong những hạn chế làm cho KH&CN chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải khẳng định, nhiệm vụ đổi mới, thúc đẩy truyền thông KHCN được đặt ra rất bức thiết, trong đó, đối tượng hướng đến bao gồm từ cấp lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, các nhà quản lý về KH&CN đến các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.
Chuyển biến từ ý thức
Nhiều nhà khoa học thừa nhận, chính đội ngũ các nhà khoa học cũng phải coi trọng công tác truyền thông hơn nữa. Đã đến lúc, người làm khoa học cần thay đổi tư duy về tuyên truyền KH&CN. Thay vì cứ lặng lẽ nghiên cứu, ứng dụng thì họ nên quảng bá sâu rộng hơn những gì mình làm được.
Có ý kiến cho rằng, hiện nay, phần lớn các nhà khoa học không thích giới thiệu, thậm chí không muốn viết về những kết quả mình làm. Một số người rất ngại rằng người viết sẽ trích dẫn sai ý kiến hoặc diễn đạt theo xu hướng giật gân hóa câu chuyện, có thể làm ảnh hưởng đến uy tín khoa học và xã hội của họ. Tâm lý này đã gây không ít khó khăn cho người làm truyền thông. Còn một số người tuy có ý thức về vai trò quan trọng của truyền thông song lại thiếu kinh phí, bởi kinh phí, đề tài hạn hẹp, chỉ đủ phục vụ cho nghiên cứu, làm báo cáo, không đủ cho công tác tuyên truyền.
Không chỉ là vấn đề cá nhân, công tác tuyên truyền KH&CN còn là trách nhiệm của tổ chức KH&CN, mà trong đó, các viện, các trường ĐH đóng vai trò quan trọng. Còn gì lãng phí hơn khi chính các tập thể này có nhiều đề tài nghiên cứu, thành tựu nhưng không đến được với người dân, với doanh nghiệp.
Để công tác truyền thông KH&CN đạt hiệu quả, theo Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải, ngoài việc tăng cường chỉ đạo, đầu tư kinh phí và những điều kiện khác thì việc đa dạng hóa các hình thức truyền thông như tổ chức triển lãm, xây dựng bảo tàng KH&CN, tuyên truyền trên các loại báo hình, báo giấy, báo nói… là hết sức cần thiết. Truyền thông không chỉ là việc của riêng người làm báo. Để đạt hiệu quả cao, chính các nhà khoa học, doanh nghiệp KH&CN phải trực tiếp tham gia vào công tác này. Lãnh đạo địa phương phải là những người đi đầu trong công tác truyền thông KHCN. "Truyền thông khoa học là lĩnh vực quan trọng nhưng Việt Nam lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, do đó cần học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước để xây dựng một chiến lược truyền thông khoa học công nghệ", lãnh đạo Bộ KH&CN chia sẻ.