Hy vọng cho người chờ ghép tạng
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:24, 22/07/2013
Hạn chế mua bán
Cách đây một năm, tại BV Việt Đức, có một bệnh nhân quê Quảng Ninh, bị suy thận mạn được chỉ định ghép thận, nhưng người hiến thận lại hoàn toàn không có quan hệ thân nhân nào với người nhận tạng mà chỉ được giới thiệu chung chung là "con nuôi" của gia đình. Qua tìm hiểu, thấy thông tin không rõ ràng, BV đã từ chối ghép tạng từ người hiến này vì lo ngại có thể đây là trường hợp mua bán tạng. Theo lãnh đạo BV, mỗi năm có đến 5-6 trường hợp tương tự bị từ chối vì lo ngại có quan hệ mua - bán giữa người hiến và người nhận tạng. "Trường hợp người hiến và người nhận không có quan hệ ruột thịt, chúng tôi yêu cầu có giấy xác nhận của cơ quan công an địa phương, của cha mẹ người hiến tặng tạng… Có trường hợp xuất trình đầy đủ giấy tờ nhưng giấy lại là… giấy giả. Việc làm giả giấy tờ tinh vi nên rất khó phát hiện và chúng tôi đã phải nhờ đến cơ quan công an xác định" - Vị lãnh đạo này cho biết.
Một ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Hữu Oai |
Phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay: Do thiếu nguồn tạng hiến nên mặc dù nước ta đã triển khai ghép thận thành công từ năm 1992 nhưng đến nay, mới có trên 800 người được ghép, chủ yếu từ người cho còn sống. Ngoài ra, còn 9 trường hợp ghép tim, khoảng 30 trường hợp ghép gan (trong đó, có 15 ca ghép gan trên người lớn). Trong khi đó, số người có chỉ định ghép tạng lại rất lớn và ngày càng gia tăng, với khoảng 6.000 người có chỉ định ghép thận, 1.500 người có chỉ định ghép gan, hàng nghìn người có chỉ định ghép giác mạc. Sự ra đời của Trung tâm là cây cầu nối người có chỉ định ghép tạng và người hiến tặng. Mô hình này cũng được hy vọng góp phần giảm thiểu việc mua bán tạng.
Kết quả sau ghép của Việt Nam tương đương với các nước trên thế giới. Tính đến thời điểm này, có bệnh nhân đã sống được hơn 10 năm và sức khỏe hoàn toàn bình thường. Chi phí để thực hiện một ca ghép thận ở Việt Nam chưa đến 300 triệu đồng. Trong khi đó, ghép thận ở các nước trong khu vực là 20.000 - 30.000 USD, chưa kể chi phí đi lại cho bệnh nhân và những người đi theo. |
Để cuộc sống tiếp nối
Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, cho đến nay, đã có 14 người chết não tình nguyện hiến tặng tạng. Nhờ những hành động cao quý, đầy tính nhân văn này mà đã có 7 người được ghép tim, 14 người được ghép gan, nhiều người được ghép thận và giác mạc. Hầu hết bệnh nhân sau ghép có cuộc sống gần như bình thường, trong đó 70% - 80% có thể tham gia các hoạt động thể dục, thể thao và hòa nhập cộng đồng, mang lại hạnh phúc lớn lao cho gia đình họ. Như vậy, nếu lấy được tạng từ người chết não thì các bác sỹ sẽ có nguồn tạng phong phú để mang lại cơ hội sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị suy tạng. Tuy nhiên, cơ hội sống này vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức và tấm lòng nhân ái của mỗi người dân. Vì với mỗi trường hợp người chết não, việc vận động gia đình hiến tặng tạng của người thân hiện cũng còn rất khó khăn do quan niệm của người Việt.
Trước những lo ngại về việc có thể xảy ra mua bán tạng người chết não, ông Nguyễn Tiến Quyết cho biết, ở nước ngoài, việc xác định chết não cần 8 yếu tố lâm sàng và 1 trong 3 yếu tố cận lâm sàng. Nhưng ở Việt Nam, để bảo đảm an toàn hơn nữa, việc xác định chết não phải trải qua 3 lần kiểm tra, mỗi lần cách nhau 6 giờ và yêu cầu đủ 8 yếu tố lâm sàng, 3 yếu tố cận lâm sàng. "Những người làm việc này đều hội đủ tâm huyết và trí tuệ. Về yếu tố tâm linh, nếu để một người lẽ ra được sống phải qua đời thì người ta sẽ ân hận suốt đời" - Giám đốc BV Việt Đức khẳng định.
Sau ghép gan, thận, tim, giác mạc, các bác sỹ của BV Việt Đức đang tiến hành ghép phổi, ghép tụy thực nghiệm. Hiện Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đang cập nhật dữ liệu của người có chỉ định ghép tạng và người hiến tặng. Những trường hợp có chỉ số phù hợp nhất với người hiến tặng sẽ được ghép không phân biệt giàu nghèo. Đây chính là niềm hy vọng cho nhiều người đang chờ được ghép tạng, nhất là người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.