Xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: Cần lộ trình có tính khả thi

Xã hội - Ngày đăng : 05:59, 22/07/2013

(HNM) - Hiện nay, vấn đề quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố còn yếu kém.

Lò mổ nhỏ lẻ "sống khỏe"

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, hiện nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm (GSGC) của Hà Nội là 745,2 tấn/ngày, trong đó thịt trâu bò là 84,3 tấn/ngày, thịt lợn 492,2 tấn/ngày, thịt gia cầm 168,7 tấn/ngày. Trong khi đó, hệ thống các CSGM GSGC của Hà Nội đều chưa bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP). Hiện Hà Nội có 7 CSGM công nghiệp với công suất thiết kế cung cấp 112 tấn thịt gia cầm, 82 tấn thịt gia súc/ngày nhưng có tới 5 cơ sở ngừng hoạt động và 2 cơ sở hoạt động chỉ đạt 5% công suất thiết kế (cung ứng 15,4 tấn thịt gia cầm và 4,1% tấn thịt gia súc/ngày). Ngoài ra, Hà Nội có 8 khu giết mổ tập trung, nếu đi vào hoạt động sẽ cung ứng được 88,7% nhu cầu thịt gia cầm; 59,8% thịt lợn của thành phố. Tuy nhiên, các lò mổ này gần như "đắp chiếu", mới chỉ cung ứng được 15% nhu cầu thịt gia cầm và 29,4% thịt lợn. Trên thị trường, có tới 85% thịt gia cầm, 70,6% thịt lợn và 100% thịt trâu bò được cung ứng từ 2.558 CSGM nhỏ lẻ chưa được kiểm soát vệ sinh thú y.

Lò giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Ngọc Linh


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng chủ yếu là CSGM nhỏ lẻ phát triển tràn lan. Trong khi đó, sự vào cuộc của các cấp chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh vận chuyển GSGC chưa đồng bộ… chưa tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho các CSGM tập trung hoạt động hiệu quả. Theo bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền, công ty đầu tư dây chuyền giết mổ GSGC hàng chục tỷ đồng đã 10 năm nhưng 8 năm "đắp chiếu", hiện nay chỉ giết mổ với số lượng nhỏ. Một thực trạng đáng buồn là trong khi các lò mổ công nghiệp ngừng hoạt động thì các lò mổ nhỏ lẻ, mất an toàn vệ sinh vẫn "sống khỏe", cung cấp tới 80% thịt không được kiểm dịch về ATTP ra thị trường.

Giải pháp không mới

Hiện nay, Sở NN&PTNT TP Hà Nội đang xây dựng Đề án quản lý giết mổ GSGC giai đoạn 2013-2016 với mục tiêu đến năm 2016, giảm 50% CSGM nhỏ lẻ, đưa dần vào giết mổ tập trung, đáp ứng 50% thịt trâu, bò, 70% thịt lợn và 60% thịt gia cầm. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, để đề án có tính khả thi cao, các cơ quan chức năng của thành phố cần xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp với thực tế.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Thịnh Anh, để các lò mổ tập trung hoạt động có hiệu quả thì Nhà nước cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ nhỏ lẻ và từng bước xóa bỏ ở thời điểm thích hợp. Ngoài tạo điều kiện thuận lợi về vay vốn với lãi suất thấp, Nhà nước nên hỗ trợ các điểm giết mổ tập trung về cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào (nhà máy - PV), kinh phí giải phóng mặt bằng... Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, cần gắn quy hoạch giết mổ với quy hoạch khu bán thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật, từng bước hình thành hệ thống cửa hàng kinh doanh sản phẩm động vật sạch trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách khuyến khích mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất tới bàn ăn để kiểm soát nguyên liệu đầu vào.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, cần tăng cường phối hợp các lực lượng liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn và xử lý nghiêm các CSGM, kinh doanh thực phẩm trái phép, vi phạm các quy định vệ sinh thú y. Nhà nước cần đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị và kinh phí cho công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Ngoài chính sách hỗ trợ về giết mổ của thành phố, các địa phương cần có cơ chế riêng để khuyến khích các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào khu giết mổ tập trung…

Ngọc Quỳnh