“Bệnh” buôn chuyện nguy hại thế nào?
Xã hội - Ngày đăng : 06:34, 21/07/2013
Em Trần Minh Lâm, HS lớp 8B, Trường THCS Hoàng Hoa Thám:
- Em thấy "căn bệnh" này chủ yếu thuộc về các bạn nữ. Hầu hết lớp nào cũng có một hội "bà tám" như vậy. Nhiều lúc em không hiểu nổi các bạn ấy nói những chuyện gì mà có thể mải miết huyên thuyên đến vài tiếng đồng hồ. Trong năm học, "bệnh" buôn chuyện khiến các bạn ấy thường xuyên bị ghi vào sổ đầu bài. Còn nghỉ hè, có thời gian rảnh rỗi là hội "bà tám" lại tụ tập hết các quán ăn vặt, quán trà đá lại đến nhà riêng từng bạn. Gần bước vào năm học mới nhưng các bạn ấy vẫn chưa chuẩn bị ôn luyện học tập gì cả. Trong mắt bọn con trai chúng em, các bạn nữ lười học, chỉ mải chơi hoặc ngồi nói chuyện linh tinh thường bị đánh giá là vô duyên, đáng ghét.
Em Nguyễn Thu Hương, HS lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Trãi:
- So với các bạn nam thì các bạn nữ có nhiều nhu cầu tâm sự, chuyện trò hơn. Thế nên, chúng em cũng hay mất thời gian "buôn" chuyện với nhau. Bạn bè thân thiết, học cùng lớp thì mỗi lúc gặp nhau lại có đủ chuyện để nói về học tập, tâm sự chuyện tình cảm, gia đình… Nhưng cái gì cũng nên có mức độ, bản thân con gái chúng em cũng rất ghét những bạn có tính ngồi lê đôi mách, hay "tám" chuyện, đưa chuyện vô duyên. Đôi khi chỉ vì những lời nói, những câu chuyện mà các bạn ấy "tám" không đúng chỗ đã dẫn đến hiểu lầm, gây mất đoàn kết trong lớp. Thậm chí, ngoài thói quen "buôn" chuyện, nhiều bạn còn thích dựng chuyện, bịa đặt để nói xấu các bạn khác.
Cô Nguyễn Thu Hà, phụ huynh HS, 379 Giải Giải Phóng, Hà Nội:
- Việc học tập đôi khi rất áp lực nên không ít HS thường tận dụng thời gian rảnh rỗi để trao đổi, tâm sự giải tỏa căng thẳng. Một số HS gặp phải chuyện buồn muốn trút bầu tâm sự với bạn bè cùng trang lứa để dễ dàng được cảm thông và chia sẻ. Tôi thấy đây là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của các em, đặc biệt là ở lứa tuổi "teen" khi tâm sinh lý có nhiều thay đổi, thắc mắc không biết "tỏ" cùng ai. Tuy nhiên, từ thói quen thích tâm sự với bạn bè, nhiều em vô tình mắc căn bệnh "tám" chuyện, thích ngồi lê đôi mách. Thói quen này đem đến rất nhiều hệ lụy, không chỉ khiến hình ảnh các em xấu đi trong mắt mọi người mà còn khiến các em "vướng" vào những rắc rối, mâu thuẫn không đáng có.
Do đó, để dứt căn bệnh đáng ghét này, các bậc phụ huynh nếu thấy con cái mình có "biểu hiện" tụ tập bạn bè về nhà tán gẫu, liên tục "ôm" máy tính, điện thoại để "chat" hàng tiếng đồng hồ thì cần phải chấn chỉnh ngay.