Cái lý của lẽ phải
Văn hóa - Ngày đăng : 06:11, 21/07/2013
Vấn đề đặt ra, không phải ngẫu nhiên mà một loạt nhà sách trên phố sách này lại nhất trí cùng với một công ty sách non trẻ như Quảng Văn Books đứng lên tuyên bố đã và sẽ tiếp tục bán sách thật, nói không với sách lậu. Được biết Tổng Giám đốc của Quảng Văn Books vốn là một biên tập viên trẻ (thế hệ 8X) của một NXB, sau khi thành lập công ty sách cũng đã ấp ủ từ lâu dự định liên kết với các NXB, các nhà sách, thậm chí là với bạn đọc để cùng chống sách lậu.
Nay, dự định ấy đã bước đầu được hiện thực. Lẽ phải có những cái lý riêng và sức mạnh riêng của nó. Đại diện một nhà sách nói "Giá chiết khấu sách lậu và sách thật là bằng nhau, vậy thì tội gì mua sách lậu với chất lượng kém hơn rất nhiều". Những nhà sách này cũng nhận ra bài học từ cậu bé chăn cừu nói dối, rằng "Từ khi đường Phạm Văn Đồng giải tỏa, hầu hết các nhà sách ở phố này đều chuyển sang bán sách thật. Nhưng có lẽ vì độc giả đã bị ấn tượng nên các nhà sách phải dùng cách trưng bày sách giả và sách thật, phân tích, thuyết phục người đọc để lấy lại niềm tin của họ…". Một số nhà sách còn mong bên phát hành, quản lý làm gắt gao hơn việc kiểm soát này. Họ nhận ra, việc cùng nhau tạo nên một "thương hiệu phố sách" sẽ có lợi hơn là lặng lẽ kiếm lời trong sự bất an từ việc bán sách lậu.
Sự hợp tác này còn đưa đến một ý tưởng táo bạo: đề xuất với UBND quận Cầu Giấy công nhận phố sách "Trần Quốc Hoàn - Phạm Văn Đồng" là một địa chỉ văn hóa - du lịch của quận và sau nữa là của thành phố.
Làm được việc này, thực không chỉ học sinh, sinh viên, giới công chức, người dân nói chung của khu vực các quận, huyện Đống Đa, Cầu Giấy, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng… hưởng lợi. Mà sâu xa hơn, nó góp phần tạo nên sự trong lành cho môi trường in ấn, xuất bản, phát hành sách ở thành phố Hà Nội và cả nước!