Văn nghệ sĩ dấn thân phản ánh hiện thực phong phú

Văn hóa - Ngày đăng : 05:59, 21/07/2013

(HNM) - 65 năm trước, vào ngày 25-7-1948, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập tại Hạ Hòa, Phú Thọ, bắt đầu trang sử lớn đồng hành cùng dân tộc của văn nghệ sĩ Việt Nam.



Và suốt 65 năm qua, dù ở trong hoàn cảnh lịch sử nào, văn nghệ sĩ luôn nỗ lực "gần gũi đại chúng, phản ánh được thời đại". Hôm nay, cái hiện thực mà văn nghệ sĩ phải trải nghiệm đã thay đổi, khác trước. Văn nghệ sĩ vừa ngỡ ngàng vừa đầy cơ hội sáng tạo trước chuyển động phong phú của hiện thực.

Dấn thân vào cuộc sống sẽ giúp văn nghệ sĩ có thêm nhiều tác phẩm hay cho độc giả.


Hiện thực biến động

Cách đây vài ngày, các nhà sách ở Đinh Lễ bắt đầu bày bộ sách "Đại gia" hai tập dày hơn 1.000 trang của nhà văn Thiên Sơn (sinh năm 1972, từng đoạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam). Điều đáng nói, "Đại gia" không chỉ lớn về số trang mà như chia sẻ của tác giả là nó đã được viết "bằng tất cả khao khát chỉ ra cái hiện thực hiểm nghèo, vạch trần nguồn gốc sâu xa luôn bị che đậy và cảnh báo những điều nguy hiểm đang đến với xã hội và số phận mỗi con người". Có thể nói tác phẩm này đã nỗ lực chạm tới và lý giải một vùng hiện thực nóng bỏng với đầy đủ các dấu hiệu như khủng hoảng kinh tế, suy thoái đạo đức lối sống, quyền lực đen…

Chưa nói đến chất lượng tác phẩm, ở góc độ đề tài đã thấy có sự vào cuộc đầy trăn trở của nhà văn với thời đại mà ta đang sống. Và đúng như cây bút này bày tỏ: "Hiện thực cuộc sống hôm nay vô cùng phức tạp mà không phải cứ ở trong nó là đã hiểu hết về nó". Còn theo nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam thì "Xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập khác xa với những năm chiến tranh giành độc lập dân tộc. Điều đó buộc người nghệ sĩ phải có cách nhìn, cách nghĩ mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay".

Nói riêng về đề tài, các văn nghệ sĩ đều khao khát không phải chỉ phản ánh mà là giải mã hiện thực. Đã thấy những sắp đặt, triển lãm, tranh vẽ… phản ánh biến động đời sống, tâm tư con người đô thị; những loạt phim truyền hình chính luận về những vấn đề lớn của nông thôn trước bão kinh tế thị trường; những bức ảnh mang hơi thở xã hội chạm đến nhiều phận người đặc biệt…

Tuy nhiên, còn quá nhiều vấn đề khác của cuộc sống mà văn nghệ sĩ nói chung còn để trống. Nhà phê bình điện ảnh Trần Luân Kim từng nói "Một phần hiện thực trong cuộc sống éo le, phức tạp của giới trung lưu được phim truyện khai thác đại trà. Song, những hiện thực quan trọng khác là tình cảm chân thành và những khó khăn trong đời sống của bao thanh niên lao động đã không được đề cập, khai thác đúng mức".

Bên cạnh đó, phản ảnh rồi giải mã hiện thực cũng cần đến một phương thức thể hiện mới mẻ phù hợp, giống như kiến trúc đáp ứng nhu cầu của thời đại là "xanh" nhưng phải trên cơ sở những vật liệu thân thiện với môi trường. Không phải lúc nào, cái hiện thực muốn phản ánh cũng được soi tỏ nếu ngôn ngữ nghệ thuật không đủ sức tải nó.

Các nhà nhiếp ảnh tìm mọi góc độ để “chộp” cái đẹp. Ảnh: Khôi Ngô


Dấn thân

Phải nói, hiện thực càng phức tạp thì càng hấp dẫn văn nghệ sĩ. Nhưng nó cũng đồng thời đặt ra yêu cầu phải thực sự dấn thân. Nhà văn Đỗ Kim Cuông cho rằng "Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, trong thương trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng; đến với vùng sâu, vùng xa… để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội".

Dấn thân - cái tinh thần thấm đẫm trong lao động sáng tạo các thế hệ nghệ sĩ đi trước nay tiếp tục được biểu hiện rõ trong diễn biến của đời sống văn nghệ gần đây. Tác giả Lê Thanh Kỳ, giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2011-2013 vốn là một người viết không chuyên. Nhưng ông đã chuyển tải những vấn đề lớn của giai cấp công nhân hiện nay bằng vốn sống của người công nhân trong chính ông và bằng những năm tháng lăn lộn, quan sát ở hàng loạt những khu công nghiệp trên cả nước. Giải thưởng Búp sen Vàng 2013 do Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh trẻ (Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức) công bố vào cuối tháng 7-2013 cũng nhấn mạnh yếu tố "trải nghiệm" ngay từ trong tên gọi "Trải nghiệm của tôi - Tuổi trẻ của tôi". Trong đó, nhiều đạo diễn đang ở tuổi học đường, lại là nữ đã làm phim không chỉ bằng quan sát mà bằng cách sống cùng người bệnh đao, người có HIV… để có những thước phim tài liệu chân thực. Họa sĩ Vũ Đức Hiếu bỏ phố về rừng để làm Bảo tàng không gian văn hóa Mường chả phải nói chuyện xưa mà chính là để nối tiếp, làm đầy đặn thêm mạch văn hóa của dân tộc, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Có thể nói, những gì phản ánh trên tác phẩm là phần tinh chế từ những bộn bề cuộc sống mà người nghệ sĩ đã trải. Phía sau đó sự hy sinh ghê gớm, nỗi cô đơn tự thân trong hành trình sáng tạo.

65 năm qua, nói như nhà văn Ngô Văn Phú, dù hiện thực hôm nay đa dạng, thực ảo lẫn lộn, khó nhận biết hơn, nhưng tinh thần chính mà các thế hệ văn nghệ sĩ đã bồi đắp là tinh thần dấn thân, chịu học, khiêm tốn… thì không bao giờ cũ. Thời điểm 65 năm thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) cũng là dịp tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, sơ kết 5 năm triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị "về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới". Trong đó, hy vọng các đề án mang tính toàn diện về cơ chế nhằm triển khai Nghị quyết 23 sẽ sớm tạo đột phá cho chặng đường sáng tạo tiếp theo của văn nghệ sĩ nước nhà. 

Thi Thi