Detroit - Biểu tượng hưng thịnh sụp đổ

Hồ sơ - Ngày đăng : 05:42, 21/07/2013

(HNM) - Từng là lá cờ đầu của nền công nghiệp xe hơi Mỹ vào đầu thế kỷ XX, nhưng ngày 18-7 vừa qua, thành phố Detroit, tiểu bang Michigan đã trở thành thành phố lớn nhất nước Mỹ chính thức tuyên bố phá sản.


Người lao động và nghỉ hưu ở Detroit lo lắng về tương lai phía trước.


Với khoản nợ lên tới hơn 18 tỷ USD, Detroit không còn lựa chọn nào khác là nộp đơn xin bảo hộ phá sản. "Kinh đô" ngành công nghiệp ô tô Mỹ có tuổi đời 300 năm này đang phải trải qua những ngày khó khăn nhất. Kết cục buồn của Detroit không phải là "cái chết bất ngờ" mà thực chất là sự suy kiệt dần mòn được bắt đầu từ lâu nay. Với sự phát triển vượt bậc trong nửa đầu thế kỷ XX nhờ sự đổ bộ của các công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô, thành phố được thành lập năm 1701 đã trở thành thủ phủ của ngành công nghiệp xe hơi nổi tiếng của nước Mỹ. Những tên tuổi lớn như Ford, Chrysler, General Motors đều đóng đại bản doanh tại đây. Tuy nhiên, từ nửa sau của thế kỷ XX , khó khăn về kinh tế - xã hội kéo dài khiến thành phố này dần sa lầy. Năm 1950, Detroit là một trong những thành phố đông dân hàng đầu Mỹ với 1,8 triệu dân. Sau nhiều đợt "chảy máu" nghiêm trọng, hiện thành phố này chỉ còn 685.000 dân. Có nhiều nguyên nhân khiến người dân "tháo chạy" khỏi thành phố ở Đông bắc nước Mỹ. Trong đó, đáng kể nhất là tình trạng kinh tế ì ạch, tỷ lệ thất nghiệp cao mà nhiều nơi lên đến 40%, thiếu thốn nghiêm trọng về dịch vụ công cộng (40% đèn của hệ thống chiếu sáng bị hư hỏng, 50% công viên phải đóng cửa). Bên cạnh đó, tình trạng tỷ lệ tội phạm cao, nạn phân biệt chủng tộc cũng tạo ra không gian sống không dễ chịu tại Detroit. Một khảo sát hồi tháng 5 cho thấy, Detroit nằm trong danh sách những thành phố nguy hiểm nhất nước Mỹ với tỷ lệ tội phạm hình sự cao nhất trong 2 thập kỷ trở lại đây. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình ở mức dưới 28.000 USD (mức thu nhập bình quân của nước Mỹ là 49.000 USD). Hơn 36% người dân sống trong cảnh nghèo đói trong năm 2011 trong khi giá trung bình của một ngôi nhà là 71.000 USD, chỉ bằng một nửa so với mức 137.000 USD của cả nước. Trong thời gian qua, đặc biệt là kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều thành phố lớn khác của nước Mỹ cũng từng rơi vào tình cảnh khó khăn, song vẫn tránh được cảnh phá sản. Tuy nhiên, Detroit vẫn không thể thoát khỏi thâm thủng tài chính do thu nhập thuế tiếp tục sụt giảm vì tình trạng thất nghiệp tăng và không thể cắt giảm chi tiêu công. Thực trạng này đã khiến thành phố giàu có ngày nào trở thành con nợ với số tiền phải trả lên tới hơn 18 tỷ USD. Khoản nợ kếch xù không có cách nào chi trả đã buộc cái nôi của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ phải đệ đơn xin phá sản theo Chương 9 Luật Bảo hộ phá sản của xứ Cờ hoa.

Khác với các vụ phá sản tập đoàn và công ty, lịch sử nước Mỹ chứng kiến rất ít các trường hợp phá sản cấp thành phố. Điều này đồng nghĩa với việc vụ Detroit sẽ không có các quy tắc tiền lệ. Theo lộ trình, thẩm phán liên bang sẽ nghiên cứu hồ sơ của Detroit trong thời gian 1 đến 3 tháng, sau đó tuyên bố sẽ bảo vệ Detroit hoặc bác bỏ yêu cầu. Nếu thẩm phán quyết định bảo vệ theo Chương 9, Detroit sẽ đàm phán giảm nợ với các chủ nợ. Tuy nhiên, số lượng chủ nợ đông đảo dự báo một chặng đường gian nan phía trước. Chuyên gia về phá sản Kevyn Orr đã đề xuất các chủ nợ chấp nhận 10 cent thay cho mỗi USD tiền nợ hiện nay, nghĩa là những người về hưu sẽ phải mất tới 90% số tiền họ từng tích cóp để cho chính quyền thành phố vay và giờ không lấy lại được. Như vậy, lương hưu, dịch vụ y tế và các chế độ phúc lợi của hàng nghìn người Detroit sẽ bị cắt giảm nặng nề. Giới phân tích còn quan ngại về sự chấm dứt hoạt động của nhiều doanh nghiệp lắp ráp đang làm ăn tại Detroit.

Rõ ràng, không chỉ cảm giác đau đớn cho một thời vàng son đã vỡ mà việc Detroit phá sản đang là cơn ác mộng thực sự với người dân thành phố. Trước tình hình trên, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng đội ngũ cố vấn kinh tế cấp cao đang theo dõi sát sao tình hình tại Detroit, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ sát cánh cùng chính quyền địa phương nhằm giải quyết khủng hoảng. Nhưng quá trình cơ cấu để hồi phục sẽ có thể kéo dài từ 1 đến 3 năm với nhiều tốn kém. Và thiệt hại nhiều nhất vẫn là những người hưu trí đã đặt cược khoản tiền tiết kiệm của mình vào tay những nhà quản lý yếu kém. 

Thùy Dương