Ở nơi lửa hy vọng được thắp lên

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:33, 21/07/2013

(HNM) - Được Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng sáng lập, Trung tâm Nghị lực sống là nơi thắp lên ngọn lửa hy vọng cho nhiều người khuyết tật ở nhiều vùng miền Tổ quốc.

Hành trình của người sáng lập

Trong căn phòng nhỏ làm nơi điều hành Trung tâm Nghị lực sống ở tầng 6 một tòa nhà trong khu đô thị mới Linh Đàm, góc nào cũng đầy ắp hình ảnh và những dấu ấn của Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng cùng bạn bè, tưởng như anh vừa ra ngoài đâu đó trong các chuyến đi làm từ thiện hay vẫn đang miệt mài cạnh chiếc máy tính cá nhân. Mọi hoạt động học tập, kinh doanh của trung tâm vẫn diễn ra bình thường như bao ngày, không ai nghĩ người thầy đặc biệt của mình đã đi đến một nơi xa, rất xa. Cái tin Nguyễn Công Hùng ra đi đột ngột vào ngày 31-12-2012 ở tuổi 30 khiến nhiều người bất ngờ nhưng có lẽ những người bạn, những học trò thân thiết đều hiểu rằng, trong cuộc đời ngắn ngủi ấy, anh đã sống trọn vẹn, chắt chiu đến từng khoảnh khắc thời gian.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng (ngoài cùng bên phải) và các bạn trẻ tại Trung tâm Nghị lực sống.


Nguyễn Công Hùng và em gái anh, Nguyễn Thảo Vân, sinh ra ở một miền quê nghèo thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Hai anh em cách nhau 6 tuổi, nhưng cùng mắc bệnh hiểm nghèo từ nhỏ khiến cơ thể chỉ còn da bọc xương, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào người khác, chỉ mỗi ngón tay là còn cử động được. Vậy mà họ đã vượt lên số phận, tự học cho mình một nghề riêng với chiếc máy tính cha mẹ chắt chiu dành dụm cho. Thành nghề, hai anh em mở lớp từ thiện tại nhà, dạy cho những đứa trẻ có số phận thiệt thòi như mình.

Được phong là Hiệp sĩ CNTT vào năm 2005, năm 2006, Nguyễn Công Hùng rời quê ra Hà Nội, ấp ủ hoài bão lớn lao là sẽ làm được nhiều điều giúp cho những người cùng hoàn cảnh. Trung tâm Nghị lực sống tại Hà Nội được thành lập năm 2006, cũng trong năm này, anh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bầu chọn là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc. Từ đó đến nay, Trung tâm Nghị lực sống đã trở thành mái nhà chung của những người khuyết tật, giúp họ hòa nhập toàn diện với cuộc sống bằng những khóa học miễn phí về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kỹ năng sống độc lập, kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội việc làm.

Giữa lúc công việc còn bộn bề thì anh đột ngột ra đi, cô em gái Thảo Vân và những người bạn tiếp tục hành trình của anh, dẫu trước mắt là vô vàn gian khó. Hôm tôi đến thăm trung tâm, gặp Thảo Vân, tôi ngỡ ngàng khi biết cô gái nhỏ đó cùng các bạn không chỉ dạy học miễn phí cho người khuyết tật mà còn làm nhiều việc khác như: bán vé máy bay, thiết kế đồ họa, thiết kế website, in ấn quà tặng… Những công việc ấy có thể giúp Vân và các bạn tự trang trải tiền nhà, sống tằn tiện nhưng tự lập và quan trọng là cảm thấy mình còn có ích. Chiếc máy tính xách tay để trên tấm đệm trải trực tiếp dưới nền nhà dường như cũng là quá lớn so với thân hình nhỏ bé của Vân, nhưng chỉ với cử động của những ngón tay, Vân và các bạn đã, đang duy trì mọi hoạt động của trung tâm nhịp nhàng, thông suốt. Chỉ những thùng giấy đựng đồ đạc chưa kịp cất, Thảo Vân cho biết, cô và các bạn vừa phải chuyển nhà từ khu đô thị mới Xa La, Hà Đông về đây. Việc chuyển nhà với người khỏe mạnh đã vất vả thì với một tập thể 36 người mà gần một nửa là người khuyết tật vận động, phải ngồi xe lăn thì khó khăn bội phần. Nhưng Vân bảo, việc này em và các bạn cũng quen rồi vì cứ trung bình 6 tháng lại phải chuyển nhà một lần. Việc thuê nhà cho đông người ở trong khi kinh phí eo hẹp thật không đơn giản, ít nhất cũng phải thuê ba phòng mới đủ, mà phải là nhà chung cư có mặt bằng rộng vì nhiều bạn không tự đi lại được nếu không có thang máy, xe lăn. Từ khi thành lập đến nay, các bạn đã "chạy" khắp Hà Nội, chỗ nào rẻ, có phòng rộng là đến, bất kể gần xa như Thanh Oai, Thái Thịnh, Ngã Tư Sở, Đại Từ, Xa La… và giờ là Linh Đàm, cũng chưa biết sẽ "an cư" được đến khi nào.

Những người thầy đặc biệt

Chuyển nhà nhiều, làm kinh doanh bận rộn nhưng việc học cho các bạn vẫn phải bảo đảm, nhất là học công nghệ thông tin, học tiếng Anh, và cả kiến thức về sức khỏe sinh sản nữa. Ngoài sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, các bạn tự dạy nhau là chính. Vân cho biết, giáo viên thường xuyên đứng lớp có Hùng, Sơn, Quyên cũng đều là người khuyết tật trong trung tâm. Khi tôi hỏi vì sao phải dạy cả kiến thức về sức khỏe sinh sản, Vân cười và giải thích: "Các bạn tìm đến trung tâm đều trong lứa tuổi thanh niên, lại ở chung nhà, sao tránh khỏi phát sinh tình cảm nam nữ. Hơn nữa nhiều bạn trước khi đến đây cũng đã có người yêu hoặc gặp nhau ở trung tâm rồi cảm mến nhau. Vì vậy, rất cần trang bị cho các bạn kiến thức về sức khỏe sinh sản, người bình thường đã cần, người khuyết tật càng cần hơn để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ bị lạm dụng tình dục, mang thai ngoài ý muốn... Vì thế, mỗi giờ học buổi tối về sức khỏe sinh sản do giảng viên Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng đến dạy, các bạn tham gia nhiệt tình, đầy đủ lắm".

Ngồi chăm chú lắng nghe câu chuyện giữa tôi và Thảo Vân có một "bạn nhỏ" dáng chừng như học sinh lớp một nhưng phong thái rất đĩnh đạc. Ngắt câu chuyện, Vân quay sang nói: "Giới thiệu với chị, đây là bạn Hùng, giáo viên dạy công nghệ thông tin, bạn ấy sẽ dẫn chị đến hai lớp học ở tòa nhà bên kia nhé!". Dường như đọc được sự ngạc nhiên trong ánh mắt của tôi, Vân tiếp lời: "Hùng năm nay 25 tuổi, bạn ấy đã tốt nghiệp Trường Trung cấp Công nghệ thông tin ở Đồng Nai đấy ạ". Trong câu chuyện trên đường đi, Hùng không ngần ngại cho biết mình cao 1m15, nặng khoảng 19kg và có thâm niên hai năm "đứng lớp" ở trung tâm. Hùng sinh ra, lớn lên ở huyện Nam Đàn, Nghệ An, trong một gia đình có hai anh em, người anh phát triển bình thường, đã có gia đình riêng ở quê, còn Hùng không may mắc bệnh hiểm nghèo, cơ thể không phát triển từ khi học lớp hai. Chàng thanh niên trong hình hài một cậu bé ấy đã một mình bươn chải, tự học hành, sau đó tìm đến trung tâm khi nghe được tấm gương của hiệp sĩ Nguyễn Công Hùng. Hùng cũng muốn được như anh, góp chút công sức nhỏ bé để truyền lại kiến thức cho những bạn bè có số phận kém may mắn như mình.

Khi được Hùng dẫn vào một căn hộ trên tầng 10 tòa nhà 1A, Khu đô thị bán đảo Linh Đàm, tôi khá ngạc nhiên vì thấy lớp học được trang bị hàng chục chiếc máy tính để bàn hiện đại kèm bàn học, ghế ngồi đúng quy chuẩn. Trước khi chào khách, các học viên đều hướng về phía Hùng và cất lời "Em chào thầy" rất vui vẻ. Hùng cho biết, toàn bộ tài sản này là của trung tâm, do các bạn tích cóp từ quỹ và được những "mạnh thường quân" giúp đỡ. Có một công ty đang thông báo tuyển gần chục lập trình viên, vì vậy thời gian này các bạn đang dốc sức ôn tập để chuẩn bị thi tuyển. Tôi gặp ở đây những bạn trẻ tuổi từ khoảng 20 đến 30, nhiều người khỏe mạnh, phát triển bình thường nhưng không thể đi lại được vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc mắc bệnh hiểm nghèo từ nhỏ mà gia đình không đủ điều kiện chạy chữa.

Đến với Trung tâm Nghị lực sống, bạn sẽ gặp những gương mặt vui vẻ, lạc quan, những tiếng cười đùa thoải mái, hồn nhiên của các bạn trẻ đang ở độ tuổi đẹp nhất đời người. Cho dù số phận có ngược đãi thế nào, họ vẫn không chùn bước, cố gắng chắt chiu từng khoảnh khắc để sống vui, sống tự lập và hơn thế nữa, đóng góp một phần công sức nhỏ bé sẻ chia với những người đồng cảnh ngộ.

Văn Ngọc Thủy