GSK vướng bê bối hối lộ

Hồ sơ - Ngày đăng : 08:04, 20/07/2013

(HNM) - Trung Quốc vừa bắt giữ 4 lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK) tại nước này do những cáo buộc đã hối lộ...



Theo Tân Hoa xã, 4 người đang bị tạm giam là Phó Chủ tịch Công ty Đầu tư GSK (Trung Quốc) Liang Hong, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc nhân sự Zhang Guowei; Giám đốc pháp lý Zhao Hongyan và quản lý phát triển kinh doanh Huang Hong. Ngoài ra đã có hơn 20 nhân viên các công ty dược và công ty du lịch đang bị điều tra.

Tại một cuộc họp báo, ông Gao Feng, Cục trưởng Cục Điều tra tội phạm kinh tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc cho biết, GSK đã sử dụng các công ty lữ hành và công ty tư vấn làm "phương tiện" hối lộ các quan chức, bác sĩ nhằm tăng doanh số sản phẩm tại thị trường lớn nhất Châu Á này. Kể từ năm 2007, GSK đã chuyển 3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10.376 tỷ đồng) cho 700 công ty lữ hành và công ty tư vấn ở Trung Quốc, nhưng chưa rõ bao nhiêu trong số này được dùng để hối lộ. Theo các cơ quan chức năng Trung Quốc, vụ việc bị phát giác không phải do nội bộ tố cáo, mà xuất phát từ điều tra của cảnh sát. Nhà chức trách đã phát hiện nhiều bất thường trong hoạt động của Công ty Du lịch quốc tế Linjiang ở Thượng Hải. Rất ít có các hoạt động du lịch thông thường nhưng doanh thu của Linjiang đã tăng chóng mặt từ vài triệu nhân dân tệ khi mới thành lập năm 2006 lên đến hằng trăm triệu nhân dân tệ trong năm nay.

Được đánh giá là một trong những vụ hối lộ lớn nhất liên quan đến các công ty nước ngoài trong 3 năm qua tại Trung Quốc, những thông tin liên quan đến bê bối của GSK đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của dư luận nước này. Đặc biệt khi chính người trong cuộc cho rằng, quy trình thủ tục qua rất nhiều khâu để có thể bán được thuốc tại Trung Quốc đã tạo kẽ hở cho tham nhũng hoành hành. Ngoài ra, vị Phó Chủ tịch Liang Hong còn thừa nhận chi phí phụ (bao gồm cả hối lộ) sẽ được tính cả vào giá thuốc. Khoản phí "đen" cũng khiến giá thành một loại thuốc có thể cao hơn đến 30% giá thành sản xuất. Đương nhiên, người bệnh sẽ là đối tượng phải gánh chịu những loại phí bất chính này.

GSK (có trụ sở chính tại Anh) là hãng dược phẩm lớn thứ tư thế giới xét theo doanh số bán thuốc năm 2009. Hãng dược đa quốc gia này đang cung cấp nhiều loại thuốc kháng sinh, kháng virus, thuốc chữa hen suyễn, ung thư, bệnh tiêu hóa, bệnh tâm thần… ở khoảng 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Người phát ngôn của hãng tuyên bố rất thất vọng và quan ngại về vụ bê bối vừa vỡ lở tại Trung Quốc. GSK cũng nhấn mạnh những hành động như vậy sẽ không được dung thứ và cần phải loại bỏ khỏi mọi chi nhánh trong hệ thống của hãng này. GSK đồng thời cam kết sẽ hợp tác đầy đủ với nhà chức trách Trung Quốc trong quá trình điều tra.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh thị trường Trung Quốc ngày càng quan trọng do các hãng dược quốc tế như GSK phải dựa vào những thị trường mới nổi để bù đắp cho doanh số giảm sút ở phương Tây, nơi nhiều loại thuốc chính của họ đã bị mất bảo hộ sáng chế. Tuy nhiên, ngoài GSK, nhiều hãng dược phẩm trong và ngoài Trung Quốc như Merck & Co Inc, Astellas Pharma Inc… cũng đang bị điều tra vì nghi ngờ gian lận chi phí và giá cả. Nhiều ý kiến cho rằng, có thể cuộc điều tra tham nhũng đối với GSK sẽ khởi đầu cho cuộc điều tra toàn bộ lĩnh vực y tế của Trung Quốc trong thời gian tới.

Kim Phượng